Rác thải của F0 điều trị tại nhà ở Hà Nội do đơn vị nào thu gom để tránh lây?

UBND TP Hà Nội mới đây vừa ban hành phương án phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm phát sinh tại điểm cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị tại nhà đối với người nhiễm COVID-19 trên địa bàn.

Theo phương án mà UBND Hà Nội ban hành, rác thải F0 điều trị tại nhà sẽ được thu gom vào túi đựng chất thải lây nhiễm màu vàng, buộc chặt miệng túi và tiếp tục bỏ vào túi đựng chất thải lây nhiễm màu vàng thứ 2, buộc kín miệng túi. Các túi màu vàng đều phải dán nhãn “Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2".

Công tác vận chuyển chất thải từ nhà có F0 do đơn vị duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn phối hợp với Tổ COVID-19 cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn. Phương tiện vận chuyển cơ động (thùng 240 lít, thùng 660 lít, xe gắn máy, xe chuyên dụng...) bảo đảm không bị rơi, rò rỉ chất thải ra ngoài.

Thu gom, xử lý rác thải của F0 điều trị tại nhà là việc vô cùng quan trọng để tránh việc lây nhiễm.

Rác thải sau đó được vận chuyển đến điểm lưu giữ chất thải lây nhiễm (có sẵn) tại các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn hoặc các Trạm Y tế lưu động, các khu lưu giữ tạm thời chất thải lây nhiễm do địa phương bố trí trên địa bàn.

Việc vận chuyển chất thải từ các điểm lưu giữ tạm thời đến cơ sở xử lý chất thải y tế nguy hại do địa phương bố trí, thực hiện bằng xe chuyên dụng đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép.

Trong quá trình vận chuyển, thùng đựng chất thải phải đậy nắp kín, bảo đảm không bị rơi, rò rỉ ra ngoài. Các thùng đựng, phương tiện vận chuyển chất thải lây nhiễm phải được khử khuẩn bằng dung dịch khử trùng có chứa 0,5% Clo hoạt tính ngay sau khi sử dụng.

Người trực tiếp tham gia thu gom, vận chuyển cần đeo khẩu trang y tế và mặc đồ bảo hộ y tế trong quá trình thu gom, vận chuyển; rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn có chứa ít nhất 60% cồn.

Chất thải lây nhiễm thu gom được xử lý bằng phương pháp thiêu hủy hoặc phương pháp hấp... đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép (ưu tiên lựa chọn phương pháp thiêu hủy để xử lý triệt để chất thải lây nhiễm, hạn chế diện tích phải chôn lấp).

Với chất thải tại các Trạm Y tế lưu động, việc phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển sẽ được thực hiện như trong các khu cách ly tập trung.

Chất thải khẩu trang, khăn, giấy lau mũi miệng, trang phục phòng hộ cá nhân phát sinh từ Trạm Y tế lưu động phải được phân ngay vào thùng màu vàng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy, có lót túi, có biểu tượng cảnh báo chất thải chứa chất gây bệnh. Bên ngoài túi, thùng dán nhãn “Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2".

Trường hợp xuất hiện ca mắc hoặc nghi ngờ mắc COVID-19, tất cả chất thải tại phòng cách ly của người này phải được thu gom và xử lý như chất thải lây nhiễm, bên ngoài thùng có dán nhãn “Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2".

Các chất thải khác trong Trạm Y tế lưu động thực hiện thu gom và xử lý theo quy định thông thường. Sau đó, thực hiện khử trùng và xử lý môi trường theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Từ đầu đợt dịch thứ tư (từ ngày 29/4) tới hết ngày 8/1, địa bàn Hà Nội đã ghi nhận tổng số 68.147 ca COVID-19. Riêng từ thời điểm áp dụng "thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19" theo Nghị quyết 128 của Chính phủ (từ ngày 11/10), toàn TP có thêm 64.109 F0 mới. Liên tiếp 1 tuần gần đây, TP đều ghi nhận trên 2.000 F0 mới mỗi ngày, trong đó ngày 8/1 là kỷ lục về số nhiễm với 2.791 ca bệnh. Hà Nội tiếp tục đứng đầu cả nước, vượt các tỉnh khu vực phía Nam về số F0 mới mỗi ngày.

V.Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan