Các nhà khoa học đã có một phát hiện thú vị về phương pháp thử thai của phụ nữ Ai Cập cổ đại, hóa ra họ cũng làm xét nghiệm nước tiểu và chờ phản ứng hóa học như ngày nay.
Một nhóm các nhà khoa học đến từ Đại học Copenhagen, Thụy Điển đã giải mã thành công một cuộn giấy cói có niên đại cách đây hơn 3.500 năm về trước.
Theo những gì ghi trên tờ giấy, phụ nữ Ai Cập cổ đại muốn biết mình có thai hay không sẽ đi tiểu vào một túi lúa mạch và một túi hạt emmer (một loại lúa mì do người Ai Cập cổ trồng).
"Một trong hai túi nảy mầm nghĩa là người phụ nữ sẽ sinh con. Nếu là túi lúa mạch nảy mầm, đứa trẻ sinh ra sẽ là con trai. Trái lại, hạt nảy mầm ở túi emmer sẽ báo hiệu con gái. Trong trường hợp cả 2 túi đều không nảy mầm, thì người phụ nữ này không hề có thai" - Đây là những dòng chữ được viết trong cuộn giấy được các nhà khoa học giải mã.
Phương pháp thử thai bằng cách tiểu vào túi hạt thực sự có cơ sở khoa học.
Một thí nghiệm được tờ Lịch sử Y học thực hiện vào năm 1963 đã chỉ ra rằng 70% trường hợp thai phụ khiến hạt giống cây nảy mầm. Nguyên nhân là do khi mang thai, trong cơ thể người phụ nữ có hàm lượng estrogen tăng cao.
Cách thử thai này cũng xuất hiện trong nhiều nền văn minh khác như Hy Lạp, La Mã, Trung Đông thời Trung Cổ và cả y học truyền thống châu Âu.
Nhà Ai Cập học Andreas Winkler từ Đại học Oxford cho rằng y học thời Ai Cập cổ đại đã có những bước tiến vượt bậc, sở hữu nhiều kiến thức uyên thâm mà ngay đến người hiện đại cũng khó lòng hiểu hết được.