Thói quen ăn uống không khoa học, sử dụng nhiều chất kích thích, ăn nhiều các thực phẩm lên men… sẽ gây kích ứng vòm họng, làm vòm họng bị tổn thương và lâu dần dẫn đến ung thư vòm họng.
Theo ThS.BS Trần Quốc Khánh (bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao - Học viện Quân y), bệnh ung thư vòm họng (NPC - Nasopharyngeal Carcinoma) ở nước ta có tỷ lệ cao, đứng hàng đầu trong các bệnh ung thư đầu cổ.
Nhưng các triệu chứng bệnh lại không điển hình, hầu hết là các triệu chứng “mượn” của các cơ quan lân cận như: tai, mũi, thần kinh, hạch… do đó việc chẩn đoán gặp nhiều khó khăn.
Điều đáng nói là trước đây, bệnh ung thư vòm họng thường xuất hiện ở người lớn, nhưng hiện nay bệnh đang có xu hướng trẻ hóa, thậm chí có những trẻ nhỏ mới vài tháng tuổi, 3 tuổi, 6 tuổi… cũng đã mắc ung thư vòm họng. Và nếu không được phát hiện, điều trị sớm bệnh sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Bác sĩ Khánh thông tin thêm, có nhiều nguyên nhân gây ra ung thư vòm họng, trong đó thói quen ăn uống thiếu khoa học, ăn nhiều đồ ăn mặn, thực phẩm lên men như cá muối, tương, cà muối, dưa muối, kim chi và ăn những thực phẩm bị mốc do tiếc… làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vòm họng.
Đồng quan điểm đó, ThS.BS Thân Văn Thịnh, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cũng cho biết, thói quen thường xuyên ăn thịt nướng, dưa muối, cà muối, kim chi… được chứng minh là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến ung thư.
Một số chất trong dưa muối, đặc biệt là dưa cải muối (như kim chi) trong quá trình lên men các chất bị chuyển hóa, trong đó có nitrosamin chuyển hóa và ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, nguy cơ cao gây ung thư đường tiêu hóa.
Bác sĩ Thịnh thông tin, nghiên cứu của các nhà khoa học cũng đã chứng minh, trong các đồ muối như thịt muối, cá muối có virus gây ung thư vòm họng rất cao. Do đó thường thấy, ở những nơi có tập tục ăn đồ muối, mắm cáy, mắm cua, dưa muối, cà muối… là nơi có tỉ lệ mắc ung thư vòm họng cao các vùng miền khác.
Do đó, để phòng ngừa bệnh ung thư vòm họng, các chuyên gia y tế khuyến cáo cần loại bỏ sớm những thói quen ăn uống có nguy cơ cao gây bệnh ung thư vòm họng dưới đây.
- Hút thuốc lá: Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng việc không hút thuốc là có thể làm giảm được đáng kể nguy cơ gây nên ung thư vòm họng. Vậy nên, với những người đang hút thuốc lá, lời khuyên tốt nhất là bỏ thuốc trong thời gian sớm nhất để đảm bảo sức khỏe.
- Sử dụng đồ uống có cồn: Thường xuyên sử dụng đồ uống có cồn như bia, rượu… sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư nói chung và ung thư vòm họng nói riêng. Những người uống rượu vừa phải có nguy cơ mắc bệnh khoang miệng cao hơn 1,8 lần (không bao gồm môi) và ung thư vòm họng, ung thư thanh quản cao gấp 1,4 lần so với những người không uống rượu và những người nghiện rượu nặng có nguy cơ cao gấp 5 lần ung thư khoang miệng và ung thư vòm họng, nguy cơ ung thư thanh quản cao gấp 2,6 lần. Ngoài ra, nguy cơ mắc các bệnh ung thư cao hơn nữa khi những người uống rượu kết hợp với sử dụng thuốc lá.
- Ăn các thực phẩm lên men: Ăn nhiều các thực phẩm được chế biến theo phương thức lên men như: thịt muối, dưa muối, cà muối…, sau thời gian được ngâm muối có nhiều thành phần bị biến chất, chúng dễ làm phát triển những tế bào ung thư ở vòm họng, dạ dày hoặc ở trực tràng. Nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học đã đưa ra kết luận, dưa cà muối nếu sử dụng quá nhiều thì người ăn có nguy cơ lớn mắc bệnh ung thư vòm họng nguy hiểm.
- Thực phẩm chế biến sẵn: Các loại thực phẩm chế biến sẵn và được đóng hộp giữ được thời gian lâu hơn nhiều lần đồ ăn tươi, nhưng để bảo quản được, những loại thực phẩm này thường được cho thêm nhiều loại hóa chất như chất bảo quản, chưa kể đến những thành phần gia vị muối, đường nhân tạo, chất tạo mùi, màu,… Nếu ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn sẽ gây nên nhiều căn bệnh ung thư nguy hiểm trong đó có ung thư ở vòm họng.