Mức lương chi tiết giáo viên theo vị trí việc làm từ 2021: Cao nhất là giáo viên mầm non

Bộ GD&ĐT vừa thông tin về cách tính lương của giáo viên theo vị trí việc làm theo tinh thần Nghị định 106/2020/NĐ-CP. Theo đó, lương giáo viên sẽ tính theo vị trí việc làm chứ không còn tính theo bằng cấp.

Theo Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ 01/7/2020): Tiền lương của giáo viên sẽ được trả theo vị trí việc làm, thực tiễn trình độ đào tạo và theo tính chất phức tạp của nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định.

Theo đó, Thu nhập của giáo viên = Tiền lương theo vị trí việc làm + phụ cấp đặc thù nghề. Do đó, trong cấu trúc tiền lương của giáo viên sẽ không có “phụ cấp thâm niên”.

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho hay, theo Nghị định 106/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, quy định trả lương theo vị trí việc làm chứ không trả lương theo bằng cấp.

Sắp tới, giáo viên sẽ tính lương theo vị trí việc làm, tuy nhiên không bị thấp hơn hiện nay.

Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cũng đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ GD&ĐT để trình Chính phủ ban hành ra thang bảng lương mới.

“Tinh thần lương mới sẽ không thấp hơn lương cũ. Mặc dù phụ cấp thâm niên không còn, phụ cấp đứng lớp cũng không còn. Lương có 70% là hệ số lương cơ bản, 30% là phụ cấp nghề và 10% là phụ cấp tăng thêm để thủ trưởng các cơ sở có quyền xử lý trong việc thưởng cho những người có thành tích xuất sắc, đột xuất trong quá trình công tác”, ông Tuấn Anh nói.

Ông Tuấn Anh cho hay, 70% đó là phần cứng và 30% còn lại là dành cho toàn ngành. “Chúng tôi đang dự kiến, với cấp học mầm non, sau quá trình điều tra, khảo sát và thấy rằng đây là cấp học nền, tính chất nghề nghiệp hết sức phức tạp.

Do đó, Bộ GD&ĐT đang đề xuất phụ cấp của giáo viên mầm non là 36%, phụ cấp của giáo viên THPT là 29%. Tức tổng toàn bộ không vượt quá 30%. Chúng tôi từng tính ra số tiền lương khi xây dựng dự thảo là với giáo viên mầm non mới ra trường sẽ được khoảng 8 triệu đồng mỗi tháng”, Ông Tuấn Anh thông tin về nội dung trong Đề án trình Chính phủ.

Tuy nhiên, mức phụ cấp ra sao sẽ do Chính phủ phê duyệt.

Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ ngày 01/7/2020, tuy nhiên việc lương giáo viên không có phụ cấp thâm niên chỉ áp dụng khi nào xây dựng xong bảng lương mới theo vị trí việc làm.

 Có nghĩa là, hiện tại chế độ chính sách về tiền lương và phụ cấp, trong đó có cả phụ cấp thâm niên mà giáo viên đang được hưởng vẫn được giữ nguyên cho đến khi có các quy định, hướng dẫn mới của Chính phủ về chính sách cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27 (dự kiến là từ ngày 01/7/2021).

 Do đó, nếu thực hiện đúng theo lộ trình thì phụ cấp thâm niên sẽ bị bỏ từ ngày 01/7/2021.

 - Theo tinh thần Nghị quyết 27/NQTW về cải cách tiền lương sẽ thực hiện cải cách lương cán bộ, công chức, viên chức (trong đó có giáo viên) dự kiến vào năm 2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Quốc hội đã hoãn tăng lương cơ cở từ 1,49 triệu đồng lên 1,6 triệu đồng/tháng.

 Sau khi hoãn tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng, đến thời điểm hiện tại, do chưa cân đối về nguồn ngân sách nên Quốc hội vẫn chưa chốt thời điểm cụ thể để tăng lương cơ sở là thời điểm nào. Do đó, việc tăng lương cơ sở hay trả lương theo vị trí việc làm đối với giáo viên bắt đầu từ năm 2021 có thể sẽ không thực hiện được.

V.Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan