Vừa vào năm học mới 2022-2023, nhiều phụ huynh có con đang học Tiểu học lo lắng, than thở khi sĩ số lớp con lên tới hơn 60 học sinh. Vậy, theo quy định sĩ số lớp học chỉ được tối đa bao nhiêu học sinh?
Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ trường Tiểu học.
Tại Điều 16 của Thông tư nêu rõ quy định về lớp học, tổ chức lớp học, khối lớp học, điểm trường như sau:
Thứ nhất, học sinh được tổ chức theo lớp học. Mỗi lớp học có không quá 35 học sinh do một giáo viên chủ nhiệm phụ trách.
Mỗi lớp học hoà nhập có không quá 02 học sinh khuyết tật, trường hợp đặc biệt, hiệu trưởng căn cứ vào điều kiện thực tế để sắp xếp, bố trí thêm học sinh khuyết tật trong một lớp học để đảm bảo cho những học sinh khuyết tật có nhu cầu và có khả năng học tập đều được đi học.
Ở những địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có thể tổ chức lớp ghép. Số lượng học sinh và số nhóm trình độ trong một lớp ghép phải phù hợp với năng lực dạy học của giáo viên và điều kiện thực tế của nhà trường. Một lớp ghép có không quá 02 nhóm trình độ, trường hợp đặc biệt sẽ do cấp có thẩm quyền quyết định nhưng không quá 03 nhóm trình độ. Một lớp ghép có không quá 15 học sinh.
Thứ hai, lớp học có lớp trưởng và các lớp phó. Học sinh trong lớp được chia thành các tổ, mỗi tổ có tổ trưởng, tổ phó. Lớp trưởng, lớp phó, tổ trưởng, tổ phó do học sinh ứng cử hoặc giáo viên chủ nhiệm giới thiệu, được học sinh trong lớp, trong tổ bầu chọn và luân phiên trong năm học. Hình thức tổ chức lớp học được thực hiện linh hoạt phù hợp với từng đối tượng và điều kiện thực tế.
Hoạt động của lớp học đảm bảo tính dân chủ, tự quản, hợp tác. Mỗi học sinh được chủ động thảo luận, tham gia xây dựng kế hoạch hoạt động của tổ, nhóm, lớp với sự hỗ trợ của giáo viên.
Thứ ba, đối với những lớp cùng trình độ được lập thành khối lớp để phối hợp các hoạt động chung. Tỉ lệ học sinh nam, nữ và sĩ số lớp học cân đối giữa các lớp trong khối lớp.
Thứ tư, tùy theo điều kiện ở địa phương, trường tiểu học có thể có thêm điểm trường ở những địa bàn khác nhau để thuận lợi cho học sinh đến trường. Hiệu trưởng phân công phó Hiệu trưởng phụ trách điểm trường.
Như vậy, theo Điều lệ trường Tiểu học, sĩ số lớp học một lớp không quá 35 học sinh.
Tuy nhiên hiện nay, ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, do mật độ dân cư đông đúc, rất nhiều trường vì quá đông học sinh nên phải sắp xếp 55-60 học sinh/lớp. Để giảm xuống còn 35 là điều không dễ dàng.
Cùng trao đổi về vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm, thành viên tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia đổi mới GD&ĐT giai đoạn 2016-2021 cho rằng, tại các thành phố lớn, rất khó để áp dụng ngay quy định này. Vấn đề đặt ra không phải là mỗi lớp có 35 học sinh, mà là làm thế nào để đạt được con số này và thời gian là bao lâu.
“Những chỗ đã đạt chuẩn sẵn sẽ không thành vấn đề, nhưng những chỗ học sinh đang quá đông, như các quận nội thành Hà Nội, trước áp lực dân số tăng, thì giải quyết vấn đề này không hề dễ. Tôi cho rằng, trước tiên, ngành giáo dục cần phải đầu tư thêm vào đội ngũ giáo viên, những lớp quá đông, có thể phân công 2 giáo viên thay nhau đứng lớp, hỗ trợ học sinh. Bộ Nội vụ cần thống nhất với Bộ GD&ĐT tăng số lượng chỉ tiêu giáo viên”, TS Nguyễn Tùng Lâm nói.
Theo thầy Lâm, đây không phải vấn đề của riêng Bộ GD&ĐT, UBND các tỉnh, thành phố cần sớm có hướng giải quyết bằng cách phân bổ các nguồn lực tài chính, đầu tư vào xây dựng trường lớp, xã hội hóa giáo dục, tạo điều kiện cho các trường ngoài công lập, nhằm giảm bớt áp lực cho trường công.
“Ngành giáo dục hiện nay đang bị bó buộc bởi thiếu tài chính, đất đai và cả nguồn lực giáo viên. Như vậy tất cả các yếu tố để đáp ứng chỉ tiêu đề ra đều đang thiếu”, TS Lâm cho hay.
TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, quy định mỗi lớp tối đa có 35 học sinh của Bộ GD-ĐT rất khoa học, cần nỗ lực thực hiện dù còn nhiều khó khăn.
Chuyên gia giáo dục này cho rằng, ngành giáo dục cần phối hợp với chính quyền địa phương, các tỉnh, thành phố thực hiện theo lộ trình từng bước, giảm từ 50 học sinh/lớp, xuống còn 40, 35...
“Cần có cam kết thực hiện, lộ trình và phương thức rõ ràng, còn nếu chỉ là quy định chung chung thì rất khó thành hiện thực”, TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.