Khảo sát tại Mỹ, 33 nghiên cứu về việc bệnh nhân sử dụng các đoạn ghi âm khám bệnh của các nhà nghiên cứu cho thấy, 71% bệnh nhân dùng bản ghi âm để nghe lại; 68% chia sẻ với người chăm sóc.
Điều này khiến một số bác sĩ và cơ sở khám bệnh e ngại rằng những người sở hữu tệp ghi âm, tệp phim có thể sử dụng các tệp này để phàn nàn hay kiện tụng.
Bệnh nhân cũng e ngại việc ghi âm, ghi hình bác sĩ khi khám bệnh có thể vi phạm luật, đặc biệt là ghi âm, ghi hình lén lút. Vậy luật pháp Mỹ hiện quản lý hành vi ghi âm, ghi hình này của bệnh nhân như thế nào?
Theo tờ Science Daily, xoay quanh vấn đề này, các quy định pháp luật vẫn còn khá rắc rối, mâu thuẫn.
"Ở Mỹ, tình huống khá phức tạp" - Tiến sĩ y khoa Glyn Elwyn, giáo sư viện Dartmouth cho biết: "Các điều luật về quay lén, nghe trộm có khuôn khổ pháp lý chung cho hành vi ghi âm và bảo vệ quyền riêng tư. Do đó, bệnh nhân muốn ghi âm, ghi hình bác sĩ trước hết cần nắm được luật pháp bang."
Sự khác biệt lớn nhất trong luật về quay trộm giữa các bang ở Mỹ là về điều kiện phải được "tất cả các bên" ưng thuận cho phép ghi âm hay chỉ cần "một bên" đồng ý.
Trong trường hợp luật quy định phải có sự đồng ý của "tất cả các bên", thì dù là bác sĩ hay bệnh nhân quay lén đều là vi phạm pháp luật, vì cần sự cho phép của tất cả những người bị ghi âm, ghi hình.
Trong trường hợp quy định chỉ cần "một bên" đồng ý, thì sự cho phép của bất kỳ ai đó trong cuộc hội thoại là đủ, vì vậy bệnh nhân - một trong những đối tượng trong cuộc hội thoại - có thể ghi âm, ghi hình mà không cần sự cho phép của bác sĩ hay cơ sở khám bệnh.
Hiện tại 39 trên 50 bang và Washington, D.C đã áp dụng quy định "một bên" đồng ý; còn 11 bang còn lại vẫn yêu cầu sự đồng ý của "tất cả các bên".
Nhiều bác sĩ và cơ sở khám bệnh, bệnh viện lo ngại những đoạn ghi âm, ghi hình sẽ bị chia sẻ hay sử dụng để kiện cáo, phàn nàn, và về mặt lý thuyết, bệnh nhân cũng có thể tự do chia sẻ những đoạn ghi âm đã được cho phép trên mạng xã hội; tuy nhiên rất ít bằng chứng cho thấy họ đang sử dụng với mục đích này.
"Phần lớn bệnh nhân thường chia sẻ các đoạn ghi âm với thành viên trong gia đình hay người chăm sóc, hoặc dùng để nghe lại để ghi nhớ thông tin mà bác sĩ cung cấp trong buổi khám bệnh."
Trên thực tế, khảo sát 33 nghiên cứu về việc bệnh nhân sử dụng các đoạn ghi âm khám bệnh của các nhà nghiên cứu cho thấy, 71% bệnh nhân dùng bản ghi âm để nghe lại; 68% chia sẻ với người chăm sóc.
Nghiên cứu cũng cho biết những bệnh nhân được nhận bản ghi âm sẽ hiểu rõ hơn và hài lòng hơn với lần khám bệnh.
Ngày càng nhiều bệnh nhân muốn ghi âm bác sĩ khám bệnh, do đó các nhà nghiên cứu cho rằng đã đến lúc bác sĩ và các cơ sở khám bệnh cần nhìn nhận giá trị của những đoạn ghi âm này.
"Dịch vụ y tế đang hướng tới tăng cường minh bạch và việc bệnh nhân ghi âm sẽ ngày càng phổ biến hơn. Điều đó sẽ mang lại lợi ích to lớn cho các hội bảo vệ quyền lợi người bệnh.
Các cơ sở khám bệnh, nhà cung cấp dịch vụ và các nhà hoạt động chính sách cần tập trung tìm giải pháp nhằm hướng dẫn và có chính sách rõ ràng liên quan đến việc sử dụng những bản ghi âm hợp pháp một cách có trách nhiệm và tích cực."
Theo Science Daily