Việc người yêu hay vợ chồng trao đổi mật khẩu điện thoại, mạng xã hội… giờ đây đã trở thành một biểu tượng cho sự tin tưởng khi yêu. Tuy nhiên có thực là như vậy?
Tính năng nhận dạng vân tay của các smartphone đời mới nhất cho phép nhận dạng đến 5 mẫu dấu vân tay khác nhau. Thử tưởng tượng nếu bạn sử dụng tính năng này, liệu dấu vân tay “người ấy” của bạn có nằm trong danh sách đó?
Việc người yêu hay vợ hoặc chồng mình có mật khẩu điện thoại, tài khoản mạng xã hội… hay kiểm tra tin nhắn cũng như lịch sử cuộc gọi giờ đây đã trở thành một biểu tượng cho sự tin tưởng trong mối quan hệ.
Nó ngầm ý cho thấy bạn và “người ấy” gắn bó mật thiết với nhau đến thế nào đến mức chẳng có thứ gì cần giấu diếm giữa hai người.
Tuy nhiên, nhìn nhận hiện tượng ấy dưới góc độ tâm lý học, đâu là nguyên nhân khiến các cặp đôi muốn kiểm tra tin nhắn của nhau và liệu điều này có thực sự tốt đối với mối quan hệ của họ?
Các cặp đôi không phải không có lí do chính đáng cho mong muốn biết được mật khẩu điện thoại và tài khoản mạng xã hội của người mình yêu.
Một khảo sát năm 2013 được thực hiện bởi một trang web bảo hành điện thoại của Mỹ cho thấy, trong 2400 người tham gia đã từng bị người yêu phản bội, 41% trường hợp là phát hiện thông qua điện thoại.
Mạng xã hội chiếm tới 23%, là con đường phổ biến thứ hai “bật mí” các mối quan hệ ngoài luồng của người yêu.
Chúng ta thường cho rằng sự ghen tuông thường là nguyên nhân chính khiến ta muốn biết “người ấy” kết bạn với ai, nhắn tin ra sao với những người “bạn đồng nghiệp” hay “em kết nghĩa”.
Và quả đúng như vậy, một khảo sát ở Anh cho thấy 34% phụ nữ và 62% nam giới thừa nhận có xem lén điện thoại của người yêu. Trong số đó, 89% làm vậy là vì muốn biết người ấy có đang lừa dối mình hay không.
Tuy nhiên, thực tế cũng chỉ ra rằng, ghen tuông không chỉ là nguyên nhân, mà cũng chính là kết quả của việc kiểm tra tin nhắn của người yêu.
Bởi khó có thể tìm ra một câu trả lời chính xác rằng đâu mới là ranh giới hợp lý mà một người nên giữ trong mối quan hệ với bạn bè khác giới – với một số người thì chỉ cần không nhắn tin “thả thính” là đủ, nhưng với người khác thì chỉ cần “like” hay “comment” trên ảnh của người khác giới đã là cả một vấn đề. Do đó, càng kiểm soát nhiều hơn, ta lại càng lo lắng nhiều hơn.
Mặt khác, đôi khi việc kiểm tra tin nhắn của người yêu, đặc biệt là khi không được sự cho phép của họ, lại làm nảy sinh nhiều hơn những mối nghi ngờ.
Bởi việc biết hết những tin nhắn hay hoạt động của người mình yêu dễ khiến ta sinh ra ảo giác mình đã “biết tỏng” về họ, và khi cảm thấy có điều đáng ngờ, thay vì trực tiếp trò chuyện trao đổi, ta sẽ tự ôm lấy cảm giác ngờ vực ấy cho đến khi nó bùng nổ và khiến mối quan hệ không còn đường cứu vãn.
Trong trường hợp ta hoàn toàn tin tưởng người mình yêu, việc kiểm tra tin nhắn của đối phương có lẽ là không cần thiết. Nhưng khi đã có sự lo lắng bất an hay nghi ngờ xen vào mối quan hệ, sẽ không một sự kiểm soát nào có thể khiến ta cảm thấy an tâm.
Bởi dù đã có trong tay mật khẩu điện thoại hay facebook, ta vẫn lo rằng họ có thể dùng một máy điện thoại khác, một tài khoản facebook khác.
Bên cạnh đó, liệu ta có chắc rằng mình và người yêu đều thoải mái khi chia sẻ tất tần tật mọi khía cạnh trong cuộc sống với nhau? Từ những thứ nhẹ nhàng như những khoảnh khắc “dìm hàng” ta chỉ muốn lưu giữ cho bản thân, lịch sử tìm kiếm đủ thứ trên trời dưới biển cho đến những vấn đề riêng tư của gia đình, bạn bè?
Chắc chắn rằng dù không có gì khuất tất cần giấu diếm “người ấy”, mỗi người trong chúng ta cũng có những khoảng riêng tư bí mật mà ta không thể chia sẻ với ai khác ngoài chính bản thân mình.
Và việc buộc phải đem phơi bày tất cả với một người khác sẽ có thể khiến ta hoặc đối phương ít nhiều không thoải mái và phần nào ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ của cả hai.
Khoảnh khắc ta cảm thấy bất an đến mức phải để ý từng dòng tin nhắn hay cuộc gọi của người yêu, đó cũng là khoảnh khắc ta đánh mất sự yên bình cho tâm trí mình. “Người này là ai?”, “Liệu có phải chỉ là đồng nghiệp hay còn hơn thế?”, tất cả những câu hỏi ấy sẽ khiến ta phải dành thời gian để lo nghĩ thay vì dùng thời gian ấy để chăm sóc cho bản thân và những mối quan hệ của riêng mình.
Một trong những ảnh hưởng tiêu cực khó tránh khỏi của việc kiểm tra tin nhắn người yêu, đó là sẽ khiến ta phải nghi ngờ chính bản thân mình.
“Có phải mình không đủ tốt nên người ấy mới phải tìm người khác để tâm sự hay không?”- đây là câu hỏi sẽ ám ảnh tâm trí bạn nếu vô tình thấy người yêu “trút hết nỗi niềm” với người khác về một vấn đề mà bạn chưa từng nghe người ấy nhắc đến.
Có lẽ mỗi người đều hiểu được rằng người yêu hay người bạn đời đôi khi không phải người thích hợp nhất để tâm sự mọi vấn đề trong cuộc sống.
Trong một số trường hợp, người yêu bạn có thể tìm đến một người từng trải hay có thể cho những lời khuyên hữu ích hơn, và điều đó không có nghĩa rằng tình cảm giữa bạn và người ấy không đủ gắn bó.
Nhưng khi bạn thấy được những câu chuyện giữa người mình yêu và một người khác, cảm giác tủi thân là khó lòng tránh khỏi.
Cần phải khẳng định rằng, việc chia sẻ mật khẩu điện thoại hay tài khoản mạng xã hội giữa những người yêu nhau không nhất thiết là việc xấu.
Nhưng để biết được nó có thích hợp với mối quan hệ của bạn hay không lại cần rất nhiều sự chia sẻ thẳng thắn giữa bạn và người mình yêu.
“Liệu cả hai có cảm thấy hoàn toàn thoải mái không?” – Chỉ khi trả lời được câu hỏi này cũng như nhận thức cả hai mặt được – mất, ta mới biết được rằng nên hay không nên để cho người mình yêu bước vào khoảng không gian riêng tư ấy của mình.