Khai mạc triển lãm 'Tranh dân gian Đông Hồ xưa và nay'

Ngày 31/10 vừa quq, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã diễn ra Triển lãm “Tranh dân gian Đông Hồ xưa và nay” do Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam và UBND tỉnh phối hợp tổ chức

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Quất cùng các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Dự khai mạc triển lãm có các đồng chí: Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nguyễn Hữu Quất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Hạnh Chung, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện Trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam; các nhà khoa học và công chúng trong nước, quốc tế.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đăng Chế mang đến triển lãm bộ khuôn cổ tranh Đông Hồ đã hàng trăm năm tuổi để du khách thưởng lãm

Phát biểu khai mạc triển lãm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phong trân trọng cảm ơn sự phối hợp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, các cơ quan, đơn vị liên quan trong tổ chức triển lãm.

Đồng chí nhấn mạnh, tranh dân gian Đông Hồ là một sản phẩm truyền thống đặc trưng tiêu biểu của Việt Nam; chuyển tải những hình ảnh quen thuộc, gần gũi với cuộc sống thường ngày của nhân dân.

Tranh “Hứng dừa” và tranh “Đánh ghen”

Những nét độc đáo, đặc trưng riêng có của nghệ thuật truyền thống Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được hội tụ tại triển lãm. Đây cũng là hoạt động nằm trong chương trình xây dựng Hồ sơ ứng cử Quốc gia “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” trình UNESCO đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Đồng chí mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành và sự chung tay từ xã hội, cộng đồng sở hữu di sản góp phần tạo sức sống bền bỉ, trường tồn của di sản.

Triển lãm gồm hai phòng trưng bày hơn 100 hiện vật, từ tranh in đến các ván khắc, dụng cụ thực hành nghề. Phòng tranh Đông Hồ xưa giới thiệu một số bộ tranh in đã lưu giữ gần một thế kỷ, cùng với các tranh in theo mẫu truyền thống được thị trường ưa chuộng như: Gà đàn, lợn đàn, gà thư hùng, lợn ăn lá ráy… hay hình ảnh em bé mũm mĩm trong tranh: Vinh hoa phú quý, nhân, nghĩa, lễ, trí… hoặc các vị anh hùng dân tộc, nhân vật trong truyền thuyết…

Dụng cụ làm tranh Đông Hồ

Mỗi tác phẩm đều hàm chứa giá trị biểu tượng tốt đẹp, đại diện cho lời chúc tụng trường thọ, sung túc, con cháu đủ đầy, học hành đỗ đạt cao, hạnh phúc viên mãn.

Ở phòng tranh Đông Hồ nay giới thiệu tập hợp các tranh được phục chế gần đây và những tranh sáng tác mới của một số nghệ nhân đương đại. Tranh phục chế là các mẫu được cho là đã thất lạc, lấy từ nguồn tư liệu đáng quý của Maurice Durand, Henri Oger, Jean-Pierre Pascal.

Loạt tranh mới sáng tác của các nghệ nhân là sự cải tiến trong cách thức thực hiện và nội dung biểu đạt sẽ làm cho triển lãm thêm phong phú, đa dạng.

Tại đây, người xem cũng gặp lại những hình ảnh đặc trưng trong các tranh: Nghinh xuân, sơn du, phúc lộc song toàn, cô gái bắt cua, thập nguyệt dưỡng thai… Và còn có hình ảnh người Pháp trong nhiều mẫu tranh độc đáo như: Phong tục cải lương, văn minh tiến bộ, nhảy đầm, thể dục chấn hưng…

Đến với không gian triển lãm, qua sự hướng dẫn trực tiếp của nghệ nhân Đông Hồ, người xem còn được trải nghiệm tự tay in tranh và lưu giữ như một món quà về nghề thủ công độc đáo - nghề làm tranh dân gian Đông Hồ.Triển lãm diễn ra từ ngày 31-10-2019 đến 31-1-2020 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Yến Anh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan