Chuyên gia truyền thông cho rằng, chỉ xét cái tên của chiến dịch 'Mẹ ơi đừng giết con' đã cảm thấy đậm đặc sự phân biệt giới tính. Tại sao lại một lần nữa chĩa mũi dùi vào người mẹ?
Minh Thi tốt nghiệp thạc sĩ ngành Truyền thông Toàn cầu tại Đại học Westminster, London. Nhiều năm làm báo và dịch sách, gần đây cô tham gia giảng dạy về văn hóa và truyền thông, hiện làm công việc nghiên cứu văn hóa.
Hiện, Minh Thi là nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành truyền thông tại Victoria University of Wellington, New Zealand.
Trước chiến dịch "Mẹ ơi! Đừng giết con", Minh Thi bày tỏ quan điểm: "Rất nhiều phụ nữ quyết định phá thai do người đàn ông phụ tình họ và từ chối chu cấp cho họ và thai nhi theo đúng trách nhiệm".
Gia Đình Mới xin chia sẻ quan điểm của chị Minh Thi về chiến dịch "Mẹ ơi! Đừng giết con":
Chưa bàn đến nội dung vận động, chỉ xét cái tên của cuộc vận động này, tôi đã cảm thấy đậm đặc sự phân biệt giới tính. Tại sao lại một lần nữa chĩa mũi dùi vào người mẹ? Thế bố của thai nhi không tồn tại hay sao?
Một trong những vấn đề liên quan đến thai nhi và trẻ em ở Việt Nam và thế giới chính là việc người ta mặc định chuyện sinh nở, chăm sóc trẻ em là việc của phụ nữ, nếu không phải do toàn quyền phụ nữ quyết định, thì cũng do phụ nữ chịu trách nhiệm là chủ yếu. Điều đó không đúng. Rất nhiều phụ nữ quyết định phá thai do người đàn ông phụ tình họ và từ chối chu cấp cho họ và thai nhi theo đúng trách nhiệm.
Những chuyện khác như cho con bú sữa mẹ hay bú bình, sinh mổ hay sinh thường, nuôi con như thế nào, miễn bàn luận đúng sai, cũng luôn được phán xét với cái nhìn chĩa vào người mẹ.
Nhưng người đàn ông ở đâu trong những tình huống đó? Họ đâu phải người vô hình. Không lẽ phụ nữ mang thai một mình, không cần có đàn ông? Họ có 50% trách nhiệm cơ mà?
Trước khi bàn luận về những vấn đề nhạy cảm như sinh con và chăm sóc trẻ con, cần bắt đầu bằng một sự thay đổi trong tư duy: Đây không chỉ là trách nhiệm của người mẹ, mà còn là trách nhiệm quan trọng không kém của người cha, và rộng hơn là cả xã hội. Đừng chĩa sự chỉ trích vào người mẹ mà quên đi người cha. Cũng không nên chỉ tập trung vào cá nhân mà quên đi vai trò của xã hội, đôi khi cá nhân cũng chỉ là nạn nhân của xã hội mà thôi.
Và cái tên của cuộc vận động này thực sự rất tàn nhẫn. Technically, nếu một thai nhi bị “giết”, theo chữ dùng của những người khởi xướng cuộc vận động này, thì người “giết” thai nhi ấy bao gồm: người tiến hành nạo phá thai, những người thúc giục người phụ nữ bỏ thai, người bố của thai nhi chối bỏ đứa con hoặc khuyến khích/đồng tình với việc phá thai, xã hội kỳ thị người mẹ không có chồng và vô cảm trước vấn đề nạo phá thai thiếu suy xét.
Thế nên, đừng chỉ chĩa mũi dùi vào người phụ nữ vốn đã/đang trong tình trạng vô cùng nhạy cảm, phải đối mặt với một quyết định làm chính bản thân họ đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Nhân đạo với thai nhi là tốt, nhưng đừng vì thế mà tàn nhẫn với phụ nữ, nhất là những người ở vị trí yếu đuối và cần được hỗ trợ, tư vấn.
Một cuộc vận động với danh nghĩa nhân đạo mà cách thể hiện lại tàn nhẫn với phụ nữ, thì có nên được coi là nhân đạo nữa hay không? Muốn thu phục nhân tâm mà lại tấn công vào điểm yếu của người khác, thì làm sao đi vào lòng người?
Về ý kiến của một số bạn cho rằng hai người bạn trai kia không có quyền lên tiếng về một vấn đề của phụ nữ, liên quan đến cơ thể phụ nữ. Ý kiến này khiến tôi không khỏi suy nghĩ.
Một mặt, tôi cũng muốn chống việc đàn ông áp đặt ý kiến gia trưởng của mình đối với vấn đề liên quan đến cơ thể, sức khỏe của người phụ nữ.
Nhưng mặt khác, tôi cho rằng đàn ông cũng có quyền lên tiếng đối với vấn đề liên quan đến sự sống của một sinh linh, vì đây là vấn đề liên quan đến quyền con người nói chung (dù việc một thai nhi đã được coi là con người hay chưa, đến thời điểm nào thì được coi là con người, vẫn còn gây tranh cãi, và tôi xin không lạm bàn ở đây).
Nếu phân biệt giới tính trong việc phát biểu ý kiến như vậy, thì tôi nghĩ cũng góp phần vào cái tâm lý chung “sinh đẻ, nuôi con là việc của phụ nữ, đàn ông không nên xía vào”. Tâm lý đó, như đã nói, cũng không hề ổn.
Vậy tôi cho rằng, đối với vấn đề này, đàn ông cũng có thể lên tiếng, thậm chí trong một số trường hợp cần lên tiếng, nhưng họ cần lên tiếng một cách hợp lý, có cơ sở khoa học, và có sự nhạy cảm với người phụ nữ.
Kêu gọi vận động mà đánh vào tâm lý bất ổn của người phụ nữ như trên là một sai lầm hoàn toàn. Nó sẽ chỉ khiến cho nhiều phụ nữ cảm thấy thêm tội lỗi, bị công kích và đau khổ (bao gồm cả những người phải bỏ thai không phải vì họ có ý muốn này, mà vì nhiều lý do khác như sức khỏe của bản thân và thai nhi). Như vậy có ích gì?