Toàn thế giới hiện có tới 124 triệu trẻ béo phì. Các chuyên gia cảnh báo số trẻ mắc chứng béo phì đã tăng gấp 10 lần sau 40 năm qua do những loại thực phẩm không lành mạnh.
Béo phì ở trẻ em đã gia tăng trên toàn thế giới, và đã tăng gấp 10 lần sau 4 thập kỉ qua. Hàng triệu trẻ em đối diện nguy cơ sức khỏe kém và tử vong sớm - theo phân tích dữ liệu lớn nhất toàn cầu.
Bên cạnh đó, WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) kêu gọi mọi quốc gia phải cùng hành động, tránh những chi phí thiệt hại đang ngày càng gia tăng cho kinh tế và con người liên quan đến bệnh béo phì trên toàn cầu.
Theo dữ liệu mới của Imperial College London, năm 1975 toàn thế giới có 5 triệu trẻ em gái béo phì, nhưng năm ngoái con số đã lên tới 50 triệu trẻ. Số trẻ em trai mắc béo phì cũng tăng từ 6 triệu lên 74 triệu cùng kỳ.
Bác sĩ Fiona Bull của WHO cho biết cả thế giới cần cảnh báo các nguyên nhân gây nên ‘đại dịch’ béo phì từ những thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày và lý do vì sao chúng ta ít vận động hơn.
‘Các loại thực phẩm có sẵn, giá cả, quảng cáo thực phẩm ảnh hưởng đến lựa chọn hàng ngày của chúng ta.’
Theo bà, điều mà cả thế giới cần đó là can thiệp các dịch vụ quảng cáo, truyền thông, giá cả của các loại thực phẩm không lành mạnh có chứa quá nhiều muối, đường và calo.
Giáo sư Majjid Ezzati, người đứng đầu tiến hành nghiên cứu về béo phì ở trẻ em của Imperial College London cho biết, chính phủ ở các nước giàu còn chưa tích cực trong việc can thiệp quảng bá thực phẩm.
‘Hầu hết các quốc gia thu nhập cao còn ngần ngại dùng thuế và các quy định kinh tế để thay đổi thói quen ăn uống, ứng phó với thực trạng béo phì ở trẻ em,’ ông cho biết.
‘Quan trọng nhất là, có rất ít chính sách và chương trình để tăng cường sản xuất thực phẩm tốt cho sức khỏe như ngũ cốc nguyên hạt, hoa quả tươi, rau củ,… giá rẻ để các gia đình khó khăn cũng mua được’.
Tình trạng trẻ béo phì ở các nước giàu đang có xu hướng ổn định nhưng ở mức cao: cứ 10 trẻ thì có 1 trẻ béo phì.
Các chuyên gia cho rằng sự phân hóa này còn nghiêm trọng và tồi tệ giữa người giàu và người nghèo: tỉ lệ béo phì ở trẻ em nhà nghèo còn cao gần gấp đôi trẻ em nhà giàu.
Béo phì ở người lớn cũng tiếp tục gia tăng. Năm 1975 có 100 triệu người lớn béo phì toàn thế giới, nhưng năm ngoái con số đã lên tới 671 triệu.
Có thêm 1.3 tỉ người lớn bị xếp vào đối tượng thừa cân, có thể gặp các vấn đề sức khỏe và nguy cơ béo phì.
Gia tăng tình trạng béo phì nhiều nhất là trẻ em và người lớn độ tuổi từ 5 đến 19 tuổi là ở các nước Mỹ, Anh, Ireland, Canada, Úc, New Zealand, Trung Đông và Bắc Phi.
Các nước nghèo ở Đông Á, Mỹ Latin và Caribbean đã trở nên giàu có hơn, và trẻ em ở các nước này cũng từ gần thiếu cân trở thành sắp thừa cân.
‘Xu hướng đáng lo ngại này phản ánh tác động của kinh doanh và chính sách thực phẩm trên toàn cầu, các thực phẩm lành mạnh, giàu dnh dưỡng quá đắt đỏ cho người nghèo.’
Giáo sư Ezzati cho biết, ‘Dự báo thế hệ trẻ em và người lớn sẽ vừa béo phì, vừa thiếu hụt dinh dưỡng. Chúng ta cần biện pháp để thực phẩm lành mạnh, giàu dinh dưỡng có giá cả hợp lý hơn, đặc biệt với hộ nghèo, cần những quy định, chính sách thuế để bảo vệ trẻ em khỏi thực phẩm thiếu lành mạnh.’
Các công ty bán thực phẩm ăn nhanh đã và đang rót hàng triệu đô cho chiến dịch quảng cáo đồ ngọt, nước giải khát cho trẻ em.
‘Đây là một chế độ ăn uống rất thiếu cân bằng và sức khỏe của trẻ em đang không được quan tâm đúng mức.
Các chiến dịch ăn uống lành mạnh không thể cạnh tranh với chiến dịch quảng cáo rầm rộ của các hãng thực phẩm.
Sẽ chỉ có một người chiến thắng duy nhất – và không còn lạ gì khi sự tác động của béo phì lên sức khỏe con người và toàn xã hội đang vượt ngoài kiểm soát.
Chúng ta cần hành động khẩn cấm để lấy lại cân bằng.’
Malcolm Clark, điều phối viên của Chiến dịch Thực phẩm cho trẻ em cho biết, nỗ lực quảng bá lối sống lành mạnh sẽ không thể có tác dụng nếu không có những chính sách quản lý nghiên ngặt hơn với quảng cáo.
‘Đừng coi thường vai trò của quảng cáo trong việc hướng chúng ta sử dụng những thực phẩm không lành mạnh, nhất là với trẻ nhỏ.’
‘Chính phủ cần nỗ lực nhiều hơn để bảo vệ trẻ khỏi những thực phẩm thiếu lành mạnh và bảo sức khỏe trong tương lai, tránh phải mất hàng triệu đô để ứng phó với những hậu quả sau này.’
Theo The Guardian
CÁCH XÁC ĐỊNH BÉO PHÌ
Theo Wikipedia, béo phì là điều kiện sức khỏe mà trong đó lượng chất béo trong cơ thể tích lũy quá nhiều đến mức mà nó gây những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Nó được xác định bằng chỉ số BMI (body mass index) và hơn nữa là được đánh giá qua sự phân bố mỡ thông qua tỉ lệ eo-hông và tổng các yếu tố rủi ro về tim mạch. BMI có quan hệ gần gũi với tỷ lệ mỡ trong cơ thể và tổng lượng mỡ trong cơ thể.
Dữ liệu tham khảo dựa trên số liệu từ 1963 đến 1994, và điều này không bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng gần đây về cân nặng.
BMI Phân loại < 18,5 dưới chuẩn 18,5–24,9 bình thường 25,0–29,9 thừa cân 30,0–34,9 béo phì cấp độ I 35,0–39,9 béo phì cấp độ II ≥ 40,0 béo phì cấp độ III BMI được tính bằng cách chia cân nặng (kg) cho bình phương chiều cao (mét) theo công thức:
BMI = W / H2
Với, W là cân nặng (kg), và H là chiều cao (m).
Dân số châu Á có chỉ số BMI thấp hơn người Caucasian, do đó một số quốc gia đã định nghĩa lại béo phì; Nhật Bản gọi béo phì khi BMI lớn hơn 25 trong khi Trung Quốc là trên 28.