Cô gái nhập viện sau uống thuốc tránh thai, cảnh báo 4 trường hợp phụ nữ không nên sử dụng

Có nhiều chị em phụ nữ lựa chọn thuốc tránh thai khẩn cấp để tránh mang bầu, tuy nhiên hiểu thật kỹ về loại thuốc này thì chưa chắc chị em nào cũng biết. Ai nên dùng, dùng trong trường hợp nào và ai không nên uống thuốc tránh thai?

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa tiếp nhận điều trị một nữ bệnh nhân bị huyết khối thuyên tắc động mạch phổi cấp tính do lạm dụng thuốc tránh thai.

Nữ bệnh nhân được chuyển khoa cấp cứu trong tình trạng tỉnh, khó thở, thở oxy hỗ trợ 5 lít/phút, Sp02 92%, tĩnh mạch cổ nổi, gan to mấp mé bờ sườn.

Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân thường xuyên sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp 10 năm nay, thường uống 12 - 15 viên/tháng.

Hình ảnh chụp CT lồng ngực của nữ bệnh nhân.

Theo BS Trần Thu Nguyệt, Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, thuốc tránh thai khẩn cấp không phải phù hợp với tất cả mọi người, hay nói cách khác, không phải ai cũng dùng được viên tránh thai khẩn cấp.

Có 4 trường hợp phụ nữ không nên sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp:

1. Bệnh nhân có tiền sử tim mạch, tắc mạch: 

Thành phần estrogen trong thuốc tránh thai ngăn chặn sự lưu thông của các phân tử nước, natri (Na). Điều đó, đồng nghĩa với việc hệ thống tim mạch phải tăng công suất hoạt động. Dùng thuốc tránh thai trong thời gian dài sẽ gây quá tải cho hệ tim mạch, dễ dàng làm bệnh trở nên trầm trọng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

2. Phụ nữ trên 40 tuổi:

Do estrogen trong thuốc tránh thai có khả năng làm tăng tỉ lệ mắc bệnh ung thư vú, vì vậy không nên dùng.

3. Phụ nữ béo phì, có lối sống ít vận động

4. Phụ nữ rối loạn mỡ máu hoặc hút thuốc lá: 

Dùng thuốc tránh thai sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Thuốc tránh thai lại kết hợp làm giảm khả năng chống đông máu.

Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc gồm:

Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt: Có thể xuất hiện ngay từ lần đầu tiên uống thuốc tránh thai hoặc sau nhiều lần uống. Biểu hiện ở việc kinh nguyệt đến sớm hơn hoặc muộn hơn so với chu kỳ bình thường. Nếu kinh nguyệt muộn hơn một tuần, chị em nên sử dụng que thử thai hoặc thăm khám với bác sĩ để làm xét nghiệm cần thiết, xác định chắc chắn việc mang thai hay không.

Xuất huyết tử cung bất thường sau khi uống thuốc: Biểu hiện sẽ nhanh chóng biến mất. Nếu sau 2 ngày vẫn bị chảy máu, chị em cần thăm khám ngay để loại trừ nguy cơ mắc bệnh lý nghiêm trọng.

Chóng mặt, buồn nôn, nôn: Triệu chứng sẽ tự biến mất sau 1-2 tuần hoặc sớm hơn. Nếu sau khoảng thời gian trên triệu chứng không cải thiện, chị em nên thăm khám để tìm nguyên nhân tiềm ẩn.

Đau bụng dưới quằn quại: Chỉ 1 số ít gặp tình trạng này nhưng trong tình huống này, chị em cần thăm khám sớm để tìm nguyên nhân của triệu chứng, loại trừ nguyên nhân mang thai ngoài tử cung - biến chứng có thể gặp phải nếu ngừa thai thất bại bằng cách uống thuốc tránh thai khẩn cấp.

Trường hợp lạm dụng thuốc quá mức khiến cơ thể không dung nạp thuốc có thể khiến chị em gặp tác dụng phụ kéo dài khác như: căng thẳng hoặc trầm cảm, tăng cân không kiểm soát, rối loạn huyết áp và hô hấp...

Sau khi uống thuốc tránh thai, chị em nên đến ngay bệnh viện để bác sĩ chuyên khoa thăm khám và xử trí kịp thời nếu gặp phải bất kỳ triệu chứng sau đây: nhức đầu, chóng mặt, yếu hoặc bị tê; mờ mắt, giảm thị lực, nói chuyện khó khăn; đau ngực, khó thở; đau bụng nặng; đau nhiều ở bắp chân hoặc đùi...

V.Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan