Câu nói đùa kinh điển này hẳn nhiều người đã đọc, nghe đâu đó đôi lần. Mọi người có thể cười nhưng tôi biết có đôi người bật khóc…
Cuộc đời này, nào phải ai cũng có một cuộc hôn nhân viên mãn bên những đứa con họ dứt ruột đẻ ra.
Có những người phải trải qua bao đớn đau từ một cuộc hôn nhân đứt gãy của họ để tìm thấy hạnh phúc khác nhưng rồi lại chênh vênh thêm một lần nữa khi phải đối diện với vấn đề: Con anh- con tôi- con chúng ta.
Tôi đã thấy và chứng kiến nhiều giọt nước mắt rơi như thế. Dù cố gắng công bằng mà trái tim nhiều khi đau thắt lại.
Muốn trở thành một người mẹ tốt bất kể đó là con mình hay con chồng nhưng vẫn có nhiều khi nước mắt cứ tuôn rơi. Thì đấy, con mình hư mình có thể mắng, có thể phạt, thậm chí có thể phát cho vài cái vào mông. Nhưng con của chồng, làm gì cũng phải nhìn trước ngó sau, nói gì cũng phải uốn lưỡi năm lần bảy lượt. Chồng vô tâm thì còn đỡ đằng này nếu chồng cũng nhạy cảm thì xác định tranh cãi dài dài.
Chồng đầu ấp tay gối chia sẻ, thủ thỉ, bày tỏ lòng mình còn dễ chứ mẹ chồng, chị chồng, em chồng hay vợ cũ của chồng thì nói sao họ hiểu rằng mình không thiên vị đứa nào?
Thế nên nhiều khi con mình thì bị đối xử nghiêm khắc hơn con chồng. Đứa trẻ nào cũng nhạy cảm hết, chúng vẫn hỏi: Sao mẹ không bao giờ mắng anh- chị- em kia còn con thì mẹ lại mắng suốt ngày? Rồi cả khi trái tim người mẹ đôi khi giật thót khi con chồng lỡ tay làm đau con mình.
Có trái tim người mẹ nào lý trí đến mức thản nhiên được khi đó không? Những người đang hạnh phúc viên mãn khi con là chính chủ của mình thì làm sao hiểu những người đang hằng ngày phải phân chia não bộ của mình ra nhiều lớp, phải xẻ sớt tim mình ra nhiều mảnh?
Con của chồng ngoan thì còn đỡ, đứa trẻ ấy mà hư và bướng thì thật cân não người làm mẹ. Tôi biết những đứa trẻ trước mặt mẹ kế thì vâng dạ ngoan ngoãn, về nhà mẹ ruột thì lại nói xấu mẹ kế. Đừng trách đứa trẻ ấy. Là bởi nó thương mẹ ruột, nó kể xấu mẹ kế để mẹ ruột vui lòng. Là bởi đôi lần, người mẹ ruột hoan hỉ ra mặt khi con mình nói mình hơn đứt vợ mới của bố nó, giận ra mặt nếu con kể mẹ kế tuyệt vời thế nào. Đứa trẻ nhạy cảm nên tự chọn cách làm mẹ vui vậy.
Tôi cũng biết những đứa trẻ phải chiến đấu cực nhọc với chính bản thân nó khi đứng giữa mẹ kế với mẹ ruột nếu như 2 người phụ nữ đó hằm hè nhau. Thậm chí, nó đau đớn xiết bao khi mẹ ruột xông vào nhà mẹ kế đánh mẹ kế chỉ vì một vết xước trên thân thể đứa trẻ. Làm mẹ kế chưa bao giờ là dễ dàng vậy!
Trái tim người mẹ nào cũng mỏng manh và dễ vỡ như nhau. Tôi biết chứ! Nên có những cơn giận long trời lở đất nếu như con mình về mách tội mẹ kế. Nên có những cơn giận mang sức công phá mạnh hơn cả những cơn bão khi con chồng lỡ đánh con mình. Giữa những người phụ nữ với nhau, nhiều khi tôi- người đàn ông đứng từ ngoài nhìn vào- thấy rùng mình sợ hãi khi chứng kiến cảnh họ xử đẹp nhau.
Ai cũng có những lý do để thấy đối phương tệ hại. Không dưới một lần tôi được ngồi nghe phụ nữ kể tội nhau rồi.
Đừng cười cợt những người phụ nữ phải đi thêm bước nữa được không? Có phải họ muốn thế đâu? Có ai đám cưới mà không muốn đó là đám cưới cuối cùng của cuộc đời họ? Có ai muốn phải làm mẹ kế không?
Đừng ác nghiệt với họ như cách mà ông cha chúng ta- những người nặng mùi nho giáo, luôn cho rằng trai năm thê bảy thiếp- gái chính chuyên một chồng. Đừng ác nghiệt quàng lên cổ phụ nữ chữ Tiết Hạnh Khả Phong mà chặn đứng, chốt chết hạnh phúc đời họ lại như thế.
Và thưa những người phụ nữ đang làm mẹ kế ơi! Các chị, các em đừng nghĩ ngợi nhiều nữa. Hãy cứ tử tế bằng tất thảy trái tim mình. Tôi tin rằng những đứa trẻ dù chị em không sinh ra nó nhưng đối xử với nó bằng sự tử tế thì các chị em vẫn sẽ trở thành một người mẹ thứ 2 của chúng. Đến cô giáo chúng- những người chỉ dạy chúng một vài năm thôi, nếu mà tử tế, chúng cũng đều gọi là Mẹ mỗi khi trở lại trường kia mà?
Nên hãy tin đi, hãy yêu đi và hãy cho đi sự tử tế của mình rồi chị em sẽ nhận lại được trọn vẹn tin yêu của chúng.
Cuối cùng, nếu phải gọi chồng: “Anh ơi, con anh, con em đang đánh con chúng ta” thì hãy gọi bằng cách khác. Rằng: Các con chúng ta đang xích mích, anh hãy ra cho chúng một trận đi!
Nhà văn Hoàng Anh Tú