Bộ Y tế đấu khẩu 'nảy lửa' với doanh nghiệp về Dự thảo Luật phòng, chống tác hại rượu bia

Có tới 85 văn bản từ luật đến các văn bản dưới luật về quy định về sản xuất kinh doanh và sử dụng rượu bia nhưng tình trạng sử dụng rượu bia của người Việt vẫn có xu hướng gia tăng.

Xem thêm

Tại cuộc “Hội thảo về dự án luật phòng, chống tác hại rượu, bia” ngày 25/5 tại Hà Nội do Bộ Y tế tổ chức tiếp tục làm rõ hơn những quan điểm trái còn chiều nhau giữa Bộ Y tế - cơ quan soạn thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu bia - với Hiệp hội Rượu bia - Nước giải khát Việt Nam.

Thực tế, đàn ông Việt Nam tiêu thụ bao nhiêu lít cồn/năm?

Theo số liệu WHO, lượng cồn nguyên chất tiêu thụ của Việt Nam là 6,6 lít/người/năm, đứng thứ 94/194 nước thành viên WHO.

PGS.TS Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Rượu bia - Nước giải khát Việt Nam (HHRBNGK) cho rằng, con số này không cao hơn nhiều mức bình quân Thế giới và ở trong ngưỡng không đáng lo ngại. 

Trong khi đó, Bộ Y tế cho rằng mặc dù đứng ở vị trí 94/194, nhưng đây là số liệu chia đều cho cả người uống và người không uống trên 15 tuổi trong khi ở Việt Nam, chủ yếu nam giới uống rượu bia nên con số trung bình tỉ lệ uống rượu bia ở Việt Nam theo giới rất cao, nam giới uống rượu nhiều gấp hơn 7 lần nữ giới.

Do đó, nếu tính riêng trong số nam giới trên 15 tuổi có sử dụng rượu, bia thì một người nam của Việt Nam tiêu thụ trung bình tới 27,4 lít cồn nguyên chất (số liệu 2010).

Đại diện Bộ Y tế cho rằng, mức tiêu thụ này rất cao. Bên cạnh đó, tuy lượng cồn tiêu thụ trung bình của Việt Nam chỉ hơn so với thế giới không đáng kể (6,6/6,2 lít/năm) nhưng với tốc độ gia tăng sử dụng mới là vấn đề đáng lo ngại của Việt Nam.

Mức tiêu thụ đồ uống có cồn bình quân đầu người Việt Nam tăng gấp 3 lần trong gần 5 năm qua trong khi mức tiêu thụ trung bình ở thế giới hầu như giữ nguyên. 

Đại diện HHRBNGK phản biện, theo số liệu của Tổng cục Thống kê thì tiêu thụ bình quân đầu người/ năm quy ra độ cồn nguyên chất ở Việt Nam là 4,4/lít/năm.

Một nghiên cứu điều tra của Viện Dân số và các vấn đề xã hội, trường Đại học Kinh tế Quốc dân thực hiện tại 6 vùng kinh tế - xã hội của Việt Nam (từ 11/2014 - 1/2016) chỉ ra, rượu không được kiểm soát ở Việt Nam là rất cao, chiếm tới 75% tổng lượng rượu tiêu thụ. Loại rượu này chất lượng kém và là nguyên nhân gây ngộ độc và Nhà nước cần quản lý chặt hơn loại rượu này.

Đứng trước ý kiến này, Bộ Y tế khẳng định, cần làm rõ số liệu 4,4 lít/người/năm này từ nguồn nào, thời điểm nào và đã bao gồm rượu thủ công tự nấu hay chưa. Nếu chưa bao gồm rượu thủ công tự nấu thì cần phải cộng cả lượng rượu thủ công này quy ra cồn nguyên chất.

Về nghiên cứu của Viện Dân số và các vấn đề xã hội, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Bộ Y tế cho rằng mức độ tiêu thụ bình quân/người của Việt Nam phải lên tới 17,6 lít. Và với con số này, sẽ cao gấp 3 lần so với bình quân thế giới.

Về vấn đề rượu thủ công, Bộ Y tế thẳng thắn nhìn nhận việc quản lý là cần thiết. Tuy nhiên, cần phải giải quyết vấn đề từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. Rượu bia nhà máy hiện đang kiểm soát được thì giải quyết trước, tiếp đến là rượu nấu.

Có hay không "ngưỡng an toàn" của việc dùng rượu, bia?

HHRBNGK cho rằng, chỉ có lạm dụng rượu, bia mới gây tác hại với sức khoẻ và WHO đã đề ra chiến lược toàn cầu về giảm thiểu tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn. 

Trong khi đó, Bộ Y tế cho rằng, WHO đã xác định không có ngưỡng an toàn của sử dụng rượu bia vì thế không có ngưỡng cho sự lạm dụng. Còn khuyến cáo của Hiệp hội Phòng chống Ung thư quốc tế, sử dụng rượu bia dù ít cũng có mối quan hệ với nguy cơ ung thư.

Toàn cảnh cuộc hội thảo diễn ra sáng 25/5/2018

Văn bản chủ yếu điều chỉnh sản xuất, kinh doanh, ít xử phạt hành vi sử dụng

Bộ Y tế nêu rõ, hiện nay hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định về sản xuất kinh doanh và sử dụng rượu bia khá đầy đủ, đã có tới 85 văn bản từ luật đến các văn bản dưới luật.

Phía đại diện HHRBNGK "vặn" lại, tại sao có nhiều văn bản quy phạm pháp luật như vậy nhưng chưa quản lý tốt? 

Bộ Y tế trả lời, có 85 văn bản liên quan đến hoạt động quản lý rượu, bia nhưng tính đến nay chỉ còn 33 văn bản còn hiệu lực. Các văn bản này chủ yếu điều chỉnh đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và xử phạt đối với rất ít các hành vi vi phạm liên quan đến rượu, bia.

Do đó, còn một khoảng trống rất lớn các nội dung chưa được điều chỉnh đặc biệt là các quy định mang tính phòng ngừa các tác hại, tiêu thụ rượu, bia và kiểm soát việc cung cấp mặt hàng này. 

Song, phía các doanh nghiệp sản xuất rượu bia cho rằng, việc ra Luật này sẽ không phù hợp với Luật quảng cáo, Luật thương mại. 

Nhưng Bộ Y tế khẳng định, dự thảo Luật phòng, chống tác hại rượu bia có liên quan rất nhiều đến Luật các chuyên ngành khác. Mặc dù các luật khác có quy định liên quan đến tác hại của rượu bia nên các quy định này cần được điều chỉnh để thống nhất.

Trong khi các doanh nghiệp sản xuất rượu bia khẳng định chưa có quốc gia nào trên thế giới ban hành Luật phòng chống tác hại rượu bia mà chỉ có số ít nước ban hành Luật kiểm soát rượu bia hoặc chất có cồn. Và các doanh nghiệp này cho rằng, việc cần thiết nhất thời điểm này là cần tuyên truyền nâng cao nhận thức hành vi, tránh lạm dụng rượu bia. 

Nhưng Bộ Y tế lại chỉ ra, tên gọi cả các quốc gia có thể khác nhau nhưng mục đích giống nhau là góp phần giảm tiêu dùng rượu bia ở mức nguy hại và bảo vệ sức khoẻ người dân. Việc tuyên truyền không hiệu quả, do rượu bia có thể gây nghiện nên cần biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm hạn chế tính sẵn có rượu bia để giảm tiếp cận.

Hồng Ngọc/giadinhmoi.vn

Tin liên quan