Pháp luật quy định, chỉ khi được xác nhận là có quan hệ huyết thống, hôn nhân hoặc nuôi dưỡng thì mới xảy ra nghĩa vụ cấp dưỡng.
Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là mối quan hệ thiêng liêng và được pháp luật bảo vệ. Khi đó, cha mẹ có quyền cũng như nghĩa vụ yêu thương, chăm lo cho việc học tập, giáo dục, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo về quyền, lợi ích của con.
Đặc biệt, người không trực tiếp nuôi con phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo quy định tại khoản 2 Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.
Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền bạc, tài sản để lo cho nhu cầu cơ bản của người có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng mà không chung sống với mình.
Tuy nhiên, cũng theo quy định của pháp luật, chỉ khi được xác nhận là có quan hệ huyết thống, hôn nhân hoặc nuôi dưỡng thì mới xảy ra nghĩa vụ cấp dưỡng.
Việc đăng ký kết hôn không chỉ là xác lập quan hệ hôn nhân mà còn là căn cứ để phát sinh quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con cái.
Điều đó có nghĩa là nếu hai người chỉ sống chung với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không được pháp luật công nhận quan hệ vợ chồng, người con sinh ra mặc dù có quan hệ huyết thống nhưng thực tế để được yêu cầu cấp dưỡng thì sẽ rất khó nếu một bên trốn tránh không cấp dưỡng.
Trong trường hợp này, để được yêu cầu cấp dưỡng thì phải có quyết định xác nhận cha, mẹ con để xác định quan hệ huyết thống. Nếu thấy đủ điều kiện thì Chủ tịch UBND cấp huyện sẽ giải quyết việc đăng ký nhận cha, mẹ, con.
Sau khi được công nhận là cha, mẹ con thì hoàn toàn có quyền yêu cầu cấp dưỡng cho con. Nếu người này trốn tránh nghĩa vụ thì có thể khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền để buộc người này phải thực hiện nghĩa vụ của mình.
Hiện nay, mức cấp dưỡng cho con khi cha/mẹ không sống chung với con được quy định cụ thể tại Điều 116 Luật Hôn nhân và Gia đình. Cụ thể:
Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Như vậy, mức cấp dưỡng được xác định theo thỏa thuận của người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó căn cứ vào:
- Thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng;
- Nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng.
Hiện nay, luật không ấn định một con số cụ thể cho mức cấp dưỡng mà đang thực hiện theo thỏa thuận của các bên. Nếu các bên không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.