Thời gian gần đây xuất hiện trào lưu ăn chay, bỏ đói cơ thể để chữa bệnh, trị ung thư. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ cho rằng đây là cách làm phản khoa học ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bệnh nhân.
Khi mắc bệnh ung thư, 1 số bệnh như tiểu đường, gout... nhiều người nghĩ rằng mình có quá nhiều thứ phải kiêng, kể cả thực phẩm. Với mong muốn ăn chay có thể cải thiện được sức khỏe, bệnh tật, họ đã chọn ăn chay.
Mặc dù có rất nhiều lợi ích với sức khỏe nhưng trên thực thế, nhiều bệnh nhân sa vào trào lưu ăn chay hà khắc, ăn chay trường ít cải biến thực đơn.
Chưa kể tới, bắt nguồn từ 1 thông tin thiếu kiểm chứng 'bỏ đói cơ thể để bỏ đói tế bào ung thư', nhiều bệnh nhân ung thư tiêu hóa còn không ăn uống với mong muốn khỏi bệnh.
Thế nhưng, ít ai hiểu rằng, ăn chay cũng ‘kén’ đối tượng. Theo các bác sĩ, người ốm yếu, bệnh ung thư cần ăn uống đầy đủ các dưỡng chất, bên cạnh đó cũng cần phải tập thể dục, hạn chế sử dụng các loại thực phẩm độc hại.
Còn khi người bệnh muốn chọn chế độ ăn chay nên tìm đến tư vấn của bác sĩ và luôn đảm bảo chế độ ăn chay đầy đủ, lành mạnh.
Trao đổi về vấn đề này, TS Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết: ‘Hiện nay không ít bệnh nhân điều trị, ăn uống… theo google, điều này rất bất hợp lí.
Khi người bệnh, bệnh nhân ung thư muốn ăn chay nên tìm đến tư vấn của bác sĩ để tìm ra khẩu phần ăn phù hợp nhất với thể trạng, thói quen, giai đoạn bệnh của mình.
Trong thời gian đầu, để biết được thực đơn có phù hợp hay không, khoảng 1 tuần/lần. Sau đó, khi đã đi vào ổn định, khoảng 1 – 3 tháng/lần, người bệnh nên quay lại để điều chỉnh thực đơn cho phù hợp'.
Cũng theo TS Nguyễn Trọng Hưng: 'Bệnh nhân cần được cung cấp đầy đủ các dưỡng chất, đặc biệt cần tăng lượng đạm để tránh khả năng người bệnh không bị mất khối cơ, bổ sung vitamin để tăng đề kháng tránh các nguy cơ nhiễm trùng.
Nếu bệnh nhân ăn chay khắc nghiệt, bỏ đói rất dễ thiếu đạm, thiếu chất xơ, thiếu vitamin… nên người bệnh dễ suy dinh dưỡng, giảm khối cơ, nhễm trùng, rỗi loạn tiêu hóa’.
Theo bác sĩ, bệnh nhân không nên ăn chay trường, khi muốn ăn chay, cần có sự tư vấn của bác sĩ và có sự điều chỉnh theo từng giai đoạn của bệnh.
Chúng ta cũng nên truyền thông nâng cao ý thức cho người bệnh để có một lối sống khoa học, tránh sa vào những ‘trào lưu thiếu hiểu biết’.
Chế độ dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong điều trị ung thư, vì vậy bệnh nhân cần:
- Đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng
- Chọn thực phẩm dễ tiêu, hợp khẩu vị, tránh những thực phẩm có khả năng gây đầy hơi.
- Chia nhỏ và ăn thành nhiều bữa nhằm bảo đảm cung cấp đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cho cơ thể để duy trì được cân nặng và khối cơ bắp, nâng cao sức khỏe và tình trạng dinh dưỡng.
- Do khả năng tiêu hóa và hấp thu cao hơn vào ban ngày, nên cần tăng lượng ăn vào buổi sáng và trưa, hơn là vào buổi tối.