Theo TS Shannon M. Clark, người phát ngôn của Hiệp hội Sản và Phụ khoa Hoa Kỳ, trong 22 nghiên cứu về các bà mẹ ăn chay khi mang bầu được thực hiện năm 2015, không phát hiện có sự gia tăng dị tật bẩm sinh hoặc những vấn đề nghiêm trọng khác ở cả mẹ và con.
Còn trong một báo cáo của mình, Viện Dinh dưỡng Hoa Kỳ cho biết, khẩu phần ăn chay hoàn toàn lành mạnh và đủ dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai.
Tuy nhiên, cần có thực đơn thật khoa học vì phụ nữ mang thai nếu không ăn thịt sẽ dễ thiếu nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là sắt và vitamin B12.
Sắt rất quan trọng với thai phụ, nếu thiếu sắt có thể dẫn đến thiếu máu, dẫn đến việc con sinh ra thiếu cân và tăng nguy cơ sinh non.
Phụ nữ mang thai cần gấp đôi lượng sắt so với những người khác. Vì thế, các thai phụ cần đặc biệt ăn các thực phẩm giàu sắt như các loại đậu, đỗ, ngũ cốc tăng cường, rau chân vịt, củ cải và nho khô.
Nước mận cũng rất giàu sắt. Ngoài ra, các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ mang thai nên uống vitamin tổng hợp cho bà bầu.
Vì sắt trong các loại rau củ khó hấp thụ hơn sắt có trong thịt, bạn nên hầm nhừ hoặc ăn cùng với các thức ăn giàu vitamin C để tăng khả năng hấp thụ của cơ thể.
Các vitamin B, bao gồm vitamin B12 và axit folic cũng vô cùng quan trọng đối với thai phụ.
Vitamin B12 không có trong các loại rau nhưng có trong đậu phụ, sữa đậu nành, một vài loại ngũ cốc và men dinh dưỡng – nhiều người ăn chay sử dụng loại thức ăn này để thay thế cho pho mai.
Các bác sỹ khuyến cáo, axit folic ngăn ngừa khuyết tật ống thần kinh cho xương sống và não bộ (thường xảy ra vào tháng đầu của thai kỳ) vì thế các mẹ bầu cần uống bổ sung ít nhất khoảng 400 microgram axit folic hàng ngày.
Không ăn thịt trong khi đang nghén thậm chí còn có nhiều lợi ích. Theo nghiên cứu, những người ăn chay vào kỳ ba tháng đầu tiên có thể giảm nguy cơ tăng cân quá nhiều.
Ngoài ra, theo bà Susan Levin, Giám đốc đào tạo dinh dưỡng của Ủy ban Trách nhiệm Y khoa Hoa Kỳ, khẩu phần dinh dưỡng giàu thực vật cho bà bầu có thể giảm các biến chứng khi nghén như tiểu đường.
Tuy nhiên, khi mang thai sẽ có nhiều diễn biến khó lường khiến các bà mẹ không thể tiếp tục ăn chay.
Khi TS Clark phát hiện mang thai đôi, cô đã ăn chay được một năm và có biểu hiện buồn nôn, trào ngược dạ dày thực quản cũng như ăn không ngon miệng.
Cô kể mình không thể ăn được salad hoặc bất cứ thứ gì có màu xanh mà chỉ tiêu hóa được khoai tây nghiền, trứng và thịt gà.
‘Tôi không ăn chay nữa vì muốn con mình phát triển bình thường. Thiếu cân cũng nguy hiểm không kém việc thừa cân khi mang thai’ – cô chia sẻ.
Quỳnh AnhBạn đang xem bài viết Ăn chay khi đang mang thai sẽ ảnh hưởng đến con như thế nào? tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].