6 ca mắc COVID-19 mới, đưa trẻ đi Trung thu là thiếu trách nhiệm với sự an toàn của trẻ

Đó là khẳng định của Phó Bí thư Hà Nội Nguyễn Văn Phong về tình trạng hàng nghìn người dân đổ ra đường, các trung tâm thương mại để đi chơi đêm Trung thu, đặc biệt là rất nhiều trẻ con.

Nỗ lực chống dịch của TP có thể bị đổ bể

Trưa 22/9, trước việc người dân đổ ra đường đông nghẹt trong đêm Trung thu 21/9, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhận định việc hàng nghìn người dân đổ ra đường đi chơi đêm Trung thu đã thể hiện sự chủ quan và không thực hiện đúng các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

"TP không chấp nhận được người dân đi ra đường, tụ tập quá đông, gây ùn ứ, không đảm bảo giãn cách theo quy định trong Chỉ thị 22 của TP mới ban hành. Việc làm này thể hiện sự chủ quan, thiếu trách nhiệm với sức khỏe, an toàn, tính mạng của bản thân, cộng đồng, nhất là đối với trẻ em khi các em là đối tượng chưa được tiêm vắc-xin COVID-19, rất dễ lây nhiễm.

Những hành động này đe dọa trực tiếp đến công sức suốt thời gian qua của TP, mà người dân cũng đã góp phần không nhỏ trong cuộc chiến chống COVID-19".

Lãnh đạo TP, cơ quan chuyên môn cũng như nhà khoa học và bộ phận lớn người dân thủ đô rất lo lắng khi chứng kiến những hình ảnh như tối qua. Trong biển người hôm qua chỉ cần có một trường hợp F0, để dịch bùng lên lại thì rất khó truy vết. Nỗ lực chống dịch của toàn TP có thể bị đổ bể.

Nỗ lực chống dịch của Hà Nội có thể sẽ đổ bể do sự chủ quan của người dân.

Dịch có thể nguy hiểm nếu người dân chủ quan

Ông Phong cho biết, TP nới lỏng từng bước để dần đi đến trạng thái bình thường mới, nhưng nguy cơ lây nhiễm vẫn cao, dịch bệnh có thể bùng phát lại bất cứ lúc nào từ 3 nguyên nhân:

Thứ nhất là Hà Nội vẫn phát hiện F0 trong cộng đồng. Dù xét nghiệm diện rộng, đẩy mạnh tiêm chủng cùng nhiều giải pháp khác, việc đưa F0 về 0 ở thời điểm hiện tại là không thể.

Thứ hai, người về từ vùng dịch cũng là nguồn lây tiềm tàng đối với TP, nguy cơ này đã được thấy rất rõ qua những chuỗi lây nhiễm ở Phú Xuyên có nguồn lây từ Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM; hay hôm qua là trường hợp lái xe đường dài ở quận Long Biên.

Và nguy cơ thứ 3 rất quan trọng là sự chủ quan, lơ là, lạc quan thái quá của một số cơ quan và đặc biệt là người dân. 

Khi mà tỷ lệ người dân trong độ tuổi được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin còn rất thấp như hiện nay (mới 12%), chưa có vắc-xin cho trẻ nhỏ, các gia đình phải rất quan tâm đến sức khỏe cho bản thân mình. Hạn chế đến mức thấp nhất việc để cho trẻ em, người già, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền ra đường hoặc tiếp xúc với nhiều người. Đây là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

TP đã yêu cầu người dân vẫn phải nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 15, tức là người dân chỉ ra đường khi thực sự cần thiết. Do đó, TP mong mọi người dân đang sinh sống trên địa bàn thủ đô hãy rút kinh nghiệm, tự giác chấp hành nghiêm túc các quy định phòng chống dịch, nhất là thường xuyên theo dõi sức khỏe và khai báo y tế. Đừng để thành quả bước đầu đạt được, công sức của chúng ta uổng phí vì sự chủ quan của mỗi người.

Từ sáng tới trưa 22/9, Hà Nội công bố 6 ca nhiễm COVID-19 vừa phát hiện. Trong đó 5 ca trong phong tỏa, 1 ca cộng đồng.

Người phát hiện dương tính qua sàng lọc ho, sốt tại cộng đồng là anh Đ.V.H, 29 tuổi, ở số 194, tổ 4 phường Kiến Hưng, Hà Đông. Anh H đã được xét nghiệm ngày 12/9 âm tính. Ngày 20/9, anh có triệu chứng ho, đau rát họng, sốt nhẹ được lấy mẫu xét nghiệm kết quả dương tính.

V.Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan