Vì không hiểu rõ bản chất và tác hại của dòng điện đối với con người, nên cấp cứu người bị điện giật sai cách, không những không cứu được nạn nhân mà có trường hợp còn nguy hiểm đến tính mạng bản thân mình.
Ths. Nguyễn Danh Khoa - Giám đốc đào tạo Trung tâm Khoa học kỹ thuật an toàn Việt Nam cho biết, xử trí khi có người bị điện giật vô cùng quan trọng. Nếu làm sai cách, không chỉ khiến người bị nạn khả năng cứu sống rất thấp mà còn nguy hiểm đến cả bản thân.
Dưới đây là những sai lầm của việc xử trí khi người bị điện giật mà mọi người tuyệt đối không làm:
Thứ nhất, chưa ngắt nguồn điện nhưng đã chạm vào người bị điện giật
Đó là sai lầm lớn nhất và cũng nguy hiểm nhất. Do mất bình tĩnh, người cứu đã vội vàng kéo người bị nạn ra khỏi nguồn điện. Khi đó, người cứu cũng bị điện giật do cơ thể nạn nhân dẫn điện.
Mọi người cần nhớ tuyệt đối không chạm vào người nạn nhân khi chưa ngắt nguồn điện. Nếu không tìm thấy nguồn điện để ngắt, cần dùng cây, thanh gỗ dài hoặc các vật không dẫn điện để tách người bị nạn ra khỏi nguồn điện.
Thứ hai, vội vàng đưa nạn nhân đi cấp cứu
Nếu người bị điện giật mất tỉnh mà chúng ta vội vàng đưa người bị điện giật đi cấp cứu khiến nạn nhân có thể bị tử vong trên đường đi cấp cứu.
Người cứu đã bỏ lỡ mất 3 phút ép tim, thổi ngạt để cứu sống nạn nhân. Thống kê cho thấy, hô hấp nhân tạo kịp thời, đúng cách ở những phút đầu tiên có khả năng 98% cứu được nạn nhân bị ngưng thở khi điện giật.
Thứ ba, đổ nước muối vào người, hoặc chôn nạn nhân dưới đất
Hiện vẫn còn một số người cho rằng, bị điện giật là tích lũy điện trong người, nên cần phải đổ nước muối vào người hoặc chôn nạn nhân dưới đất thì dòng điện sẽ chạy qua người xuống đất.
Phương pháp này không những không hiệu quả mà cũng bỏ lỡ mất 3 phút ép tim thổi ngạt quan trọng, đồng thời làm hạ thân nhiệt gây nguy hiểm cho tính mạng nạn nhân.
Thứ tư, để nạn nhân nằm nguyên tư thế khi thấy có dấu hiệu tỉnh lại
Người bị nạn tỉnh lại sau khi được ép tim, thổi ngạt cần phải được nằm sang tư thế hồi phục (nằm nghiêng sang phải) trong thời gian chờ xe cứu thương đưa đến bệnh viện. Nằm tư thế này để nạn nhân dễ thở, không gây chèn ép tim phổi hay hít phải dịch nôn của chính họ.
Nếu vẫn để nạn nhân nằm nguyên tư thế khi họ đã có dấu hiệu tỉnh lại sẽ khiến nạn nhân có thể tử vongtrong khi chờ xe cấp cứu.
Thứ năm, hô hấp nhân tạo sai kỹ thuật
Khi hô hấp nhân tạo nếu đặt tay sai vị trí, có thể gây nguy hiểm cho nạn nhân. Ví dụ, tay đặt không đúng vị trí tim để ép lồng ngực mà đặt lệch xuống phần bụng. Lúc này, mỗi khi ép xuống sẽ đẩy hơi lên tim, gây nguy hiểm cho nạn nhân.
Bên cạnh đó, nếu ép không đủ độ sâu và tốc độ (5 cm đối với người lớn, với tốc độ 100 nhịp/phút), cũng không có tác dụng cứu sống nạn nhân.