Theo Sở Y tế Hà Nội, tính đến cuối tháng 9/2019, đã có 29/30 quận, huyện và 230/584 xã, phường, thị trấn đã tiến hành thanh tra ATTP. Trong 310 cơ sở được thanh tra thì có 96 cơ sở bị xử phạt hành chính.
Theo đó, từ năm 2016, Hà Nội đã triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) tại 5 quận, huyện và 10 phường, xã. Đến tháng 7/2019, Hà Nội tiếp tục nhân rộng mô hình này tại tất cả 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường.
Việc thí điểm và mở rộng thanh tra chuyên ngành ATTP góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về lĩnh vực này của chính quyền địa phương, bước đầu tạo niềm tin cho người tiêu dùng trên địa bàn.
Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính đến ngày 20/9, có 29/30 quận, huyện và 230/584 xã, phường, thị trấn đã tiến hành thanh tra ATTP (huyện Hoài Đức chưa đi thanh tra). Tổng số cơ sở được thanh tra là 310 cơ sở, xử phạt 96 cơ sở, số tiền phạt là 313.500.000 đồng.
18/30 quận, huyện, thị xã đã triển khai thanh tra chuyên ngành tại tuyến xã, phường, thị trấn. Tổng số xã, phường, thị trấn đã triển khai thanh tra là 131/584. Tổng số cơ sở được thanh tra là 859 cơ sở, xử phạt 206 cơ sở, số tiền phạt 408.350.000 đồng.
Bên cạnh những việc đã làm được, việc thanh tra chuyên ngành ATTP không chỉ giúp các cơ sở được thanh tra có ý thức rõ ràng về trách nhiệm thực hiện các quy định về ATTP, chủ động hoàn thiện các điều kiện về ATTP, thì công tác thanh tra còn gặp nhiều khó khăn do việc thiết lập bộ hồ sơ thanh tra phức tạp khiến việc thanh tra lúng túng. Khi triển khai thanh tra, các cơ sở thường chống đối bằng cách đóng cửa không cho thanh trahoặc chỉ tiêu 1 năm thanh tra 50% số cơ sở thuộc cấp quản lý là quá nhiều đối với 1 quận có mật độ cơ sở ATTP đông...
Qua đó, các quận huyện kiến nghị UBND TP Hà Nội và Sở Y tế nên xem xét lại chỉ tiêu thanh tra chuyên ngành ATTP giao cho các quận, huyện có số cơ sở quản lý lớn. Đồng thời, TP và Sở Y tế có hướng dẫn về việc thu phí phạt tại chỗ đối với các cơ sở nhỏ lẻ, thức ăn đường phố...