Bộ Y tế đang lấy ý kiến về dự thảo Luật Dân số có nhiều nội dung đáng chú ý, đặc biệt liên quan tới các chế độ phụ nữ được hưởng khi sinh con.
Bộ Y tế đang lấy ý kiến rộng rãi về Dự thảo Luật Dân số. Trong Dự thảo đã đề xuất nhiều nội dung quan trọng.
Trong đó đáng chú ý là đề xuất về việc được nhận tiền trợ cấp khi sinh con tại 21 tỉnh thành có mức sinh thấp và biện pháp điều chỉnh mức sinh đối với các tỉnh có mức sinh cao.
Dự thảo đưa ra các biện pháp để điều chỉnh mức sinh đối với tỉnh có mức sinh cao.
Thứ nhất, phụ nữ là người dân tộc thiểu số hoặc phụ nữ là người Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn khi đã sinh đủ hai con cam kết không sinh thêm con thì được Nhà nước hỗ trợ một lần bằng tiền ít nhất tương đương một lần mức lương tối thiểu vùng; trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 4 Điều 11;
Thứ hai, miễn phí sử dụng các biện pháp tránh thai bao gồm cả phương tiện tránh thai cho người có nhu cầu tránh thai;
Thứ ba, hỗ trợ người cung cấp dịch vụ kỹ thuật tránh thai từ tuyến trên xuống tuyến dưới tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; cộng tác viên dân số, người vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện biện pháp tránh thai lâm sàng;
Thứ tư, tổ chức cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và các gói dịch vụ dân số cơ bản phù hợp với điều kiện địa lý, kinh tế - xã hội và đặc trưng văn hóa.
Theo Quyết định 2019/QĐ-BYT năm 2021 của Bộ Y tế, trong giai đoạn 2020-2025, có 21 tỉnh, thành phố sau được phân vào vùng mức sinh thấp, bao gồm: TP.HCM, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Kiên Giang.
Theo đó, để khuyến khích các gia đình sinh đủ hai con tại 21 tỉnh có mức sinh thấp, trong Dự thảo Luật Dân số đề xuất các biện pháp sau đây:
- Nhà nước hỗ trợ một lần bằng tiền ít nhất tương đương một lần mức lương tối thiểu vùng khi phụ nữ sinh con thứ nhất; ít nhất tương đương hai lần mức lương tối thiểu vùng khi phụ nữ sinh con thứ hai;
- Cặp vợ chồng cam kết sinh đủ hai con được Nhà nước hỗ trợ cho con của họ học tại cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học công lập; miễn học phí khi theo học trung học cơ sở công lập;
- Nhà nước khuyến khích các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình;
- Xây dựng môi trường, cộng đồng phù hợp tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng sinh đủ hai con, chăm sóc và nuôi dạy con tốt, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên trong gia đình; khuyến khích trách nhiệm xã hội của người sử dụng lao động đối với người lao động nuôi con nhỏ;
- Các cặp vợ chồng sinh đủ hai con có cam kết không sinh thêm con được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở;
- Các biện pháp khác.
Trong đó, mức lương tối thiểu vùng hiện nay thực hiện theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I (hiện hành là 4.180.000 đồng/tháng).
- Mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II (hiện hành là 3.710.000 đồng/tháng).
- Mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III (hiện hành là 3.250.000 đồng/tháng).
- Mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV (hiện hành là 2.920.000 đồng/tháng).
Như vậy, theo đề xuất trên, phụ nữ ở 21 tỉnh thành có mức sinh thấp khi sinh con thứ nhất sẽ được hỗ trợ ít nhất từ 3 triệu đến hơn 4 triệu. Sinh con thứ 2 sẽ được nhận từ gần 7 triệu đến gần 10 triệu.
Dự thảo đang tiếp tục được lấy ý kiến.
Nội dung Dự thảo: Dự thảo Luật Dân số Tháng 10.