10 cặp vợ chồng hiếm muộn được thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí, sớm chạm đến ước mơ làm cha làm mẹ

10 cặp vợ chồng hiếm muộn có hoàn cảnh vô cùng đặc biệt đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội là thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí. Đây là phần quà vô cùng ý nghĩa của bệnh viện, tiếp thêm động lực để họ tiếp tục kiên trì để sớm chạm đến ước mơ làm cha làm mẹ.

 Những phần quà ý nghĩa dành tặng các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn

Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội vừa tổ chức buổi lễ “Công bố và trao quyết định: 10 ca Thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí 100% và các chương trình xét duyệt miễn phí khác” cho các trường hợp bệnh nhân đủ điều kiện, đã nộp hồ sơ đăng ký xét duyệt trong chương trình Tuần lễ Vàng Ươm mầm hạnh phúc 2022 – “Trao yêu thương – nhận hạnh phúc”.

Các gói hỗ trợ bao gồm:

- 10 gia đình nhận hỗ trợ miễn phí 100% chi phí thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) – IVF. 

- Miễn phí 20 ca sàng lọc phôi mang gen bệnh lý di truyền: Thận đa nang, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, Thalassemia, Hemophilia, teo cơ tủy… và một số bệnh lý hiếm khác (không giới hạn số lượng phôi).

- Miễn phí 10 ca vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng – Micro TESE cho các gia đình thực hiện IVF có giá trị tương đương 14 triệu đồng/ca.

- Miễn phí 10 ca phẫu thuật nội soi thăm dò buồng tử cung có giá trị tương đương 14 triệu đồng/ca (Không bao gồm chi phí thuốc và các chi phí khác).

- Miễn phí 20 ca nuôi cấy, theo dõi phôi bằng hệ thống tự động - Timelapse (tối đa 16 phôi).

Những hỗ trợ này phần nào giúp bệnh nhân hiếm muộn có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhân cần can thiệp các kỹ thuật chuyên sâu giảm gánh nặng kinh tế và những lo âu trong hành trình tìm con, sớm chạm đến ước mơ làm cha, làm mẹ. 

Kinh phí thực hiện chương trình Tuần Lễ Vàng được tài trợ bởi công ty GENTIS.

10 gia đình được miễn phí thụ tinh trong ống nghiệm chụp ảnh cùng chương trình.

BS.CKII. Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện cho biết: “Đây là năm thứ 4 liên tiếp Bệnh viện hỗ trợ TTTON hoàn toàn miễn phí cho các cặp vợ chồng khó khăn. Tính đến thời điểm này, đã có hơn 40 gia đình được Bệnh viện hỗ trợ TTTON miễn phí từ chương trình. Các gia đình, hoặc là đã từng khám hiếm muộn và nỗ lực chạy chữa nhưng không có kết quả, lại không thể xoay xở thêm kinh phí để tiếp tục, hoặc phải gác hẳn việc điều trị ngay từ đầu vì áp lực kinh tế đè nặng; dù trong hoàn cảnh nào, khát khao “tìm con” trong họ chưa bao giờ tắt.

Đó là lý do qua từng năm, Bệnh viện luôn muốn đồng hành để san sẻ, trước hết là về mặt chi phí cho các gia đình hiếm muộn khó khăn, tiếp đó là sự tận lực của đội ngũ y bác sĩ để giúp các gia đình sớm chạm vào ước mơ thiêng liêng là làm cha, làm mẹ. Hơn 85% các gia đình được hỗ trợ có tin vui và sinh con khỏe mạnh là động lực rất lớn để Bệnh viện duy trì chương trình và càng nỗ lực hơn nữa để sao cho những gia đình được tiếp sức đều trọn vẹn hạnh phúc”.

BSCK II Nguyễn Khắc Lợi - GĐ bệnh viện phát biểu tại buổi lễ.

Mong muốn sớm chạm đến giấc mơ làm cha, làm mẹ

Có mặt tại buổi lễ, các gia đình nhận hỗ trợ TTTON miễn phí và các gia đình nhận những hỗ trợ khác đã xúc động chia sẻ hoàn cảnh của mình. 

Với chị Hoàng Thị Lai, anh Trần Đình Lý (Nam Đàn, Nghệ An), được nhận sự hỗ trợ của BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội để làm thụ tinh trong ống nghiệm thực sự là một giấc mơ đã thành hiện thực.

Anh chị kết hôn từ năm 2013, đến nay đã 9 năm vẫn chưa sinh con. Điều kiện kinh tế của gia đình anh chị cũng còn khó khăn. Anh chị sống cùng “đại gia đình” 9 người gồm bố mẹ, anh trai, các cháu, thu nhập chủ yếu nhờ làm nông. 9 năm làm lụng, tích cóp, được đồng nào là anh chị đều dành cho việc chạy chữa để có con. Hai vợ chồng đã từng 4 lần thực hiện bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) nhưng đều thất bại. Vì không có đủ kinh phí để theo đuổi hành trình chữa trị tốn kém, anh chị đành gác giấc mơ có được đứa con bế bồng.

Vợ chồng anh chị Lý Lai vỡ òa niềm vui khi nhận được hỗ trợ tới 100 triệu đồng.

Hay trường hợp vợ chồng chị H Dla Buôn Ya - anh Phùng Văn Ba (là người dân tộc Êđê – Mường ở huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ), kết hôn từ năm 2016, mãi chưa sinh con, anh chị cũng thử đi khám, phát hiện anh hiếm muộn do vô tinh. Tuy nhiên, dù biết nguyên nhân, anh chị cũng không thể điều trị vì quá khó khăn, kinh tế chính cũng là làm nông, lại phải chăm sóc cụ ông 98 tuổi ở nhà. Từ đó, hành trình tìm con đành gác lại, thậm chí có lúc hai vợ chồng nghĩ sẽ buông xuôi….

Hoàn cảnh của chị Trần Thị Thắm - anh Vũ Văn Trường (Thị trấn Yến Lạc, Na Rì, Bắc Kạn) cũng éo le không kém. Anh chị kết hôn từ năm 2012, chị bán vé số, anh cắt tóc, gom góp dành dụm mỗi ngày để lo cho gia đình và chăm sóc bố bị bệnh thận. Suốt 10 năm qua, nỗi mong con luôn canh cánh trong lòng anh chị. Thế nhưng, mọi khát khao, mọi nỗ lực muốn có con dường như bị ghì lại vì gánh nặng kinh tế. 

Mỗi gia đình một câu chuyện, dù khác nhau nhưng có chung một nỗi niềm, đó là khát khao mong con nhưng vẫn chưa thể vẹn tròn mà kinh tế là rào cản lớn. Sự hỗ trợ của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã kịp thời tiếp sức cho họ, để họ có thêm niềm hy vọng sớm được chạm tới giấc mơ làm cha, làm mẹ, được nghe tiếng khóc cười ấm áp của con trẻ trong ngôi nhà đang còn trống vắng.

Các gia đình đọc quyết định của bệnh viện.

Ths. BS. Lê Thị Thu Hiền – Phó Giám đốc, Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện cho biết: “Khi nhận hỗ trợ cho bất kỳ trường hợp nào, Bệnh viện cũng đặt hết tâm huyết là sẽ giúp cho các gia đình thành công. Dù vậy, hành trình nào cũng có trở ngại. Bên cạnh những trường hợp may mắn khi có “quả ngọt” ngay lần can thiệp hỗ trợ sinh sản đầu tiên thì vẫn còn không ít trường hợp khó khăn trắc trở, tưởng chừng phải bỏ cuộc.

Tuy nhiên, chúng tôi muốn nhắn nhủ tới các gia đình rằng, những trường hợp không thành công ở lần đầu tiên, chỉ cần gia đình có niềm tin, không từ bỏ hy họng, cùng sự hỗ trợ của các kỹ thuật hiện đại, các y bác sĩ Bệnh viện sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ tối đa để giúp các gia đình có kết quả trọn vẹn. Và chương trình hỗ trợ miễn phí cho các gia đình chắc chắn sẽ còn tiếp tục, tất cả vì mục đích nhân văn: Trao yêu thương, nhận hạnh phúc!”

Danh sách 10 gia đình được hỗ trợ TTTON miễn phí năm 2022Gia đình: Đinh Thị Hường (1991) - Phan Văn Lâm (1981) Địa chỉ: Thôn Bắc Sơn, Quảng Sơn, Ba Đồn, Quảng Bình

Gia đình: Hoàng Thị Lai (1990) - Trần Đình Lý (1982)Địa chỉ: Xã Xuân Lâm, Huyện Nam Đàn, Nghệ An

Gia đình: Lê Thị Hiên (1989) - Lê Đình Huấn (1987)Địa chỉ: Hùng Thành, Yên Thành, Nghệ An

Gia đình: Đỗ Thị Giang (1990) - Nguyễn Văn Bình (1985)Địa chỉ: Xã Hợp lý, Huyện Lý Nhân, Hà Nam

Gia đình: Đào Thị Phương (1991) - Nguyễn Trung Thành (1990)Địa chỉ: Xã Ngọc Đường, Thành phố Hà Giang, Tỉnh Hà Giang

Gia đình: H Dla Buôn Ya (1996) - Phùng Văn Ba (1991)Địa chỉ: Xóm Kết, Lai Đồng, Huyện Tân Sơn, Phú Thọ

Gia đình: Nguyễn Thị Ngọc (2000) - Bùi Văn Dũng (1991)Địa chỉ: Thôn Đồi Chùa, Xã Yên Bồng, Huyện Lạc Thủy, Hòa Bình

Gia đình: Trần Thị Thắm (1992) - Vũ Văn Trường (1985)Địa chỉ: Tổ nhân dân Hát Deng, Thị trấn Yến Lạc, Na Rì, Bắc Kạn

Gia đình: Đào Thị Thu Hiền (1997) - Nguyễn Văn Duy (1992)Địa chỉ: Thôn Xuân Úc, Xã Thuận Thiên, Huyện Kiến Thụy, Hải Phòng

Gia đình: Nguyễn Thị Miền (1988) - Vũ Đức Quỳnh (1988)Địa chỉ: Thôn 10, Ngọc Tảo, Phúc Thọ, Hà Nội

10 trường hợp được chọn TTTON miễn phí sẽ được Bệnh viện hỗ trợ 100% chi phí thực hiện TTTON (bao gồm chi phí xét nghiệm, kích trứng, chọc trứng, tạo phôi, trữ phôi, chuyển phôi….), tương đương 100 triệu đồng tuỳ từng trường hợp. Ngoài ra, Bệnh viện sẽ hoàn tiền khám, xét nghiệm trước đó các gia đình đã thực hiện để hoàn thiện hồ sơ. Riêng các chi phí ăn ở, đi lại, sinh hoạt cá nhân cũng như những chi phí phát sinh không nằm trong quy trình thực hiện TTTON, bệnh nhân sẽ tự thanh toán theo quy định.

V.Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan