14 năm mỏi mòn mong con của người phụ nữ ‘bệnh chồng bệnh’
Đó là câu chuyện về hành trình 14 năm đi từ Bắc vào Nam với mong mỏi có được mụn con của vợ chồng anh Hoàng Triệu Hóa và chị Vũ Thanh Miền (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang).
Anh Hóa và chị Miền đều là giáo viên. Sau khi kết hôn, như nhiều đôi vợ chồng khác, anh chị mong mỏi tiếng cười con trẻ để hạnh phúc gia đình được trọn vẹn nhưng càng mong lại càng hụt hẫng. Bác sĩ nói chị “bệnh chồng bệnh”.
“Mình dự trữ buồng trứng ít, Polyp cổ tử cung, tắc 2 vòi trứng. Rồi sau đó lại bị lạc nội mạc cơ tử cung. Bác sĩ nói gần như mình không còn khả năng mang thai. Khát khao có con nên khi nghe bác sĩ kết luận vậy, tôi suy sụp vô cùng”, chị Miền tâm sự.
Anh chị cũng đi khám nhiều chỗ, thuốc thang khắp nơi, ai mách gì chữa nấy nhưng không hiệu quả. Là giáo viên mầm non, hàng ngày tiếp xúc với nhiều trẻ nhỏ càng khiến khát khao có con của chị mãnh liệt. Nhìn lại hoàn cảnh của mình, chị chỉ biết ngậm ngùi rơi nước mắt.
Khi biết nguyên nhân chủ yếu do mình, chị Miền vừa đau đớn vừa tuyệt vọng. Nhưng may mắn là chị được chồng và gia đình nhà chồng luôn ở bên cạnh động viên, an ủi.
“Chồng mình là con trai một, mình lại không sinh được con, thương chồng và gia đình nhà chồng, mình đã 2 lần lên tòa xin đơn về bảo anh ký nhưng anh toàn xé đi. Anh động viên mình tiếp tục cố gắng nếu không được thì xin con nuôi”.
Anh Hóa không thể hiện bất kì sự thất vọng nào ra ngoài khi hay tin vợ khó có con. Thay vào đó, điều anh làm là ôm vợ vào lòng, an ủi, động viên rằng đây chỉ là điểm đầu của hành trình mà anh chị sắp phải vượt qua.
Tình yêu của chồng và sự chia sẻ của các thành viên trong gia đình chồng đã tiếp thêm sức mạnh cho chị “chiến đấu”.
Hành trình mang thai đầy sóng gió, nghị lực phi thường của người mẹ và sự giúp sức tận lực của các bác sĩ
14 năm, 2 vợ chồng anh Hóa chị Miền đi khắp Bắc – Nam để tìm thầy, tìm thuốc, chạy chữa mong con yêu tới với gia đình. Tới năm 2016, tình cờ đọc được thông tin về BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, anh chị khăn gói bước vào hành trình mới, quyết định thực hiện Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Nhắc đến trường hợp của chị Miền, BSCKI Phạm Văn Hưởng (Trưởng khoa Khám bệnh, BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội), chia sẻ: Hành trình điều trị tại BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội của 2 vợ chồng chị Miền gặp nhiều khó khăn. Ở độ tuổi không còn quá trẻ, cùng nhiều bệnh lý đi kèm, chuyện mang thai của chị Miền thực sự không hề dễ dàng.
Chị Miền trải qua 6 năm điều trị tại BV, trải qua 3 lần chọc trứng, 2 lần thụ tinh, 3 lần chuyển phôi để nhận được điều kì diệu.
Đầu tiên, bác sĩ Hưởng cùng các cộng sự đã đã quyết định thực hiện gom trứng cho chị Miền. Sau 2 lần kích trứng và tiến hành gom trứng, chị Miền chỉ gom được 5 trứng. Sau khi thụ tinh và có phôi, chị Miền được bác sĩ chỉ định chuyển phôi và chị đã có beta ngay lần đầu tiên.
Mang thai được ngỡ tưởng đã êm xuôi, ai ngờ chị bị thai lưu, phải bỏ thai ở tuần thứ 12.
Đến năm 2020, vợ chồng chị Miền quay lại BV để tiếp tục hành trình tìm con của mình. Tiếp nhận hồ sơ, bác sĩ Hưởng lại thấy khó khăn gấp bội vì bệnh nhân tuổi đã cao, tiền sử lưu thai, nhiều bệnh lý ở tử cung...
Thế nhưng thương bệnh nhân vẫn khát khao đi tìm con, các bác sĩ BV một lần nữa thay đổi phác đồ kích thích buồng trứng và thực hiện gom trứng. Lần này may mắn hơn, chỉ với một lần kích, chị Miền đã chọc được 7 noãn. Điều đó khiến cho bác sĩ Hưởng cũng thấy lạc quan hơn hẳn vì sẽ được tạo phôi luôn, không phải để trữ đông nữa.
Ở lần chuyển phôi này, tưởng chừng mọi thứ thuận lợi, ai dè chị bị thai ngoài tử cung. Đến lúc này, nhiều người sẽ nghĩ đến chuyện buông xuôi và dừng lại nhưng chị vẫn muốn được một lần thực hiện thiên chức làm mẹ đầy thiêng liêng.
"Về nguyên tắc, khi tiếp nhận hồ sơ có tiền sử lạc nội mạc cơ tử cung, bị đau rất nhiều thì đầu tiên, các bác sĩ phải điều trị ức chế lạc nội mạc, giảm đau trước. Vậy nên chị Miền được chỉ định điều trị trước khi chuyển phôi 3 tháng. Sau đó, chị chuyển phôi thành công, có thai rồi lại không giữ được. Nếu như ngay từ đầu không thành công thì đã khác. Nhưng ở trường hợp của chị, thực sự rất trớ trêu, cứ đang trên đường ngỡ là thuận lợi thì lại có tin thai mất sớm. Mỗi lần hút thai, bệnh nhân chịu đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Người làm bác sĩ như chúng tôi cũng bị ám ảnh, dằn vặt", bác sĩ Hưởng chia sẻ.
May mắn sao, ở lần chuyển 2 phôi cuối cùng, lúc mọi hi vọng chỉ còn le lói thì chị Miền đã giữ thai thành công và đón được 2 em bé khoẻ mạnh, đáng yêu ở tuần thứ 32.
“Mỗi lần chuyển phôi là tôi sắm nhiều đồ lắm nhưng lần này mang tâm lý không được như những lần trước, quá nhiều lần bị hụt hẫng cũng thành quen nên tôi mang đúng 3 bộ quần áo. Lúc thử thì nồng độ beta thấp, hi vọng được 1 bé cũng được. Nhưng kết quả thật sự là vỡ òa. Đưa sổ khám cho chồng xem mà anh ấy không tin vào mắt mình. Cả 2 vợ chồng ôm nhau khóc giữa BV”, chị Miền rưng rưng chia sẻ.
Bác sĩ Hưởng chia sẻ, ở chị Miền, có một điều để các bác sĩ điều trị tại BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội có động lực tiếp tục tiến hành điều trị, dù cho chị đã trải qua 1 -2 lần 'thất bại'. Đó là khát khao cháy bỏng và quyết tâm được mang thai, được làm mẹ. Điều này khiến bác sĩ Hưởng có một niềm tin nhất định người phụ nữ này sẽ được đền đáp xứng đáng cho những mong đợi của mình.
Những vất vả, khó khăn cũng đã đi qua, ngôi nhà ấy lại rộn rã tiếng cười, đến cả các bác hàng xóm cũng bận rộn ra vào hỏi thăm tíu tít. Giờ đây, căn nhà nhỏ của anh chị ở phố cổ Đồng Văn đã bừng sáng ngập tràn niềm vui. Hai bé Hoàng Bảo Ngọc và Hoàng Bảo Anh ra đời là món quà xứng đáng dành cho những nỗ lực không mệt mỏi không chỉ của chị Miền, anh Hoá mà còn là những người thân, các bác sĩ đã sát cánh trong hành trình tìm con gian nan của đôi vợ chồng.
V.LinhBạn đang xem bài viết Hành trình 14 năm chữa hiếm muộn của hai vợ chồng giáo viên ở Hà Giang tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].