Theo chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Đức Thuyết, Khoa Phẫu thuật Lồng ngực & Mạch máu, BV Bạch Mai, ung thư phổi là căn bệnh nguy hiểm hàng đầu trên thế giới với hơn 2 triệu người mắc mới và hơn 1 triệu người tử vong mỗi năm.
Tại Việt Nam, trong số các bệnh nhân nhập viện, có đến 62,5% không còn khả năng phẫu thuật. Do đó, việc phát hiện sớm bệnh sẽ đem lại hiệu quả điều trị tốt nhất.
Hiện, phương pháp tầm soát ung thư phổi duy nhất được khuyến cáo là chụp cắt lớp vi tính liều thấp (low-dose computed tomography hay low-dose CT scan, hoặc LDCT). Khi chụp LDCT, người bệnh nằm trên bàn của máy chụp CT, máy sử dụng tia X-quang liều thấp để tạo dựng hình ảnh chi tiết phổi. Quá trình chụp chỉ mất vài phút và không gây đau đớn.
Bác sĩ Thuyết cho biết, Cơ quan Y tế dự phòng Hoa Kỳ khuyến cáo, tầm soát ung thư phổi hàng năm với chụp LDCT với những người sau đây:
- Người hút thuốc 20 bao/năm hoặc nhiều hơn (Đơn vị bao/năm = (số điếu thuốc hút trung bình 1 ngày/20 × số năm hút thuốc)
- Hiện tại đang hút thuốc hoặc bỏ hút thuốc trong vòng 15 năm trở lại đây
- Tuổi từ 50 – 80 tuổi
Kết quả tầm soát ung thư phổi có thể gợi ý một người có ung thư phổi trong khi thực tế thì không phải ung thư. Kết quả này được gọi là dương tính giả. Dương tính giả có thể dẫn đến việc thực hiện thêm các xét nghiệm khác và phẫu thuật không cần thiết, điều này làm tăng thêm các nguy cơ cho bệnh nhân.
Tầm soát ung thư phổi có thể chỉ ra các trường hợp ung thư mà chưa gây ra bất cứ vấn đề gì cho bệnh nhân. Đây gọi là “chẩn đoán quá mức”. Chẩn đoán quá mức có thể dẫn đến điều trị không cần thiết.
Ngoài ra, tia xạ từ chụp LDCT lặp lại nhiều lần có thể là nguyên nhân gây ra ung thư ngay cả đối với người bình thường. Đây là lý do tại sao tầm soát ung thư phổi chỉ được khuyến cáo cho người lớn có các nguy cơ cao phát triển bệnh do tiền sử hút thuốc lá và tuổi tác, và người không có các vấn đề sức khỏe làm giảm năng lực hoặc tuổi thọ, người mong muốn phát hiện sớm ung thư và nếu có thể phẫu thuật nếu cần.
Cơ quan Y tế dự phòng Hoa Kỳ cũng khuyến cáo tầm soát ung thư phổi hàng năm dừng lại khi người được tầm soát:
- Tuổi cao > 80
- Không hút thuốc ≥ 15 năm
- Có các vấn đề về sức khỏe khiến người đó không thể phẫu thuật nếu phát hiện ung thư phổi.
Tầm soát ung thư phổi không thể thay thế việc bỏ hút thuốc. Do đó, bác sĩ Thuyết khuyên rằng, cách tốt nhất để giảm nguy cơ ung thư phổi là không hút thuốc và tránh hút thuốc thụ động.
An AnBạn đang xem bài viết Ai cần tầm soát ung thư phổi? tại chuyên mục Tư vấn chuyên gia của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].