Đột quỵ não hay còn gọi là tai biến mạch máu não, là một tình trạng cấp cứu, có thể gây tổn thương nặng nề, thậm chí tử vong hoặc để lại di chứng lâu dài cho người bệnh. Do đó, việc tầm soát đột quỵ giúp kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây ra đột quỵ, đem đến sự yên tâm và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Đồng thời, tầm soát đột quỵ não còn giáo dục cộng đồng, tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của chăm sóc sức khỏe và lối sống lành mạnh.
Theo khuyến cáo của bác sĩ Nguyễn Mai Hòa, BV Nhân dân 115, có 8 đối tượng nên đi tầm soát đột quỵ sớm, gồm:
- Những người có tiền sử gia đình bị đột quỵ não, dị dạng mạch máu não
- Những người có tiền sử bệnh tim mạch, tăng huyết áp
- Những người có tiền sử bệnh đái tháo đường
- Những người béo phì, rối loạn mỡ máu (tăng LDL cholesterol, triglycerides…)
- Những người trên 55 tuổi
- Những người hút thuốc lá, sử dụng rượu bia nhiều, ít vận động, sử dụng ma tuý, thói quen ăn không lành mạnh (ăn nhiều đồ ăn nhanh, nhiều chất béo và đường, ăn quá mặn, ít ăn rau..)
- Người có các triệu chứng chưa rõ nguyên nhân như: đau đầu nhiều, chóng mặt, giảm trí nhớ, hoặc ngất
- Tiền căn bệnh rối loạn đông máu
Nếu người bệnh có bất kỳ triệu chứng nào sau đây thì khẩn trương đến cơ sở y tế để được tầm soát, chẩn đoán và điều trị kịp thời vì đó có thể là một dạng đột quỵ nhẹ hoặc đó là cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua. Các triệu chứng bao gồm:
- Chóng mặt, mất thăng bằng hoặc đi lại khó khăn thoáng qua
- Mất khả năng hoặc khó nói chuyện thoáng qua
- Mất hoặc giảm cảm giác thoáng qua ở một phần cơ thể nhất định (nửa khuôn mặt, tay hoặc chân)
- Mất hay giảm khả năng vận động thoáng qua: Người bệnh không thể hoặc gặp khó khăn trong việc điều khiển chuyển động của một phần cơ thể, như nắm bút, cầm đồ,...
- Mất thị lực hoặc thị lực bị suy giảm thoáng qua
- Đau đầu cấp tính dữ dội: có thể là một triệu chứng của đột quỵ
An AnBạn đang xem bài viết 8 đối tượng nên sớm đi tầm soát đột quỵ não tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].