1. Ghi lại chi tiêu của bạn
Bước đầu tiên để bắt đầu tiết kiệm tiền là tính toán số tiền bạn đang chi tiêu.
Hãy ghi lại tất cả các khoản chi tiêu của bạn, từ tiền cà phê, đồ gia dụng, ăn tiệm đến các hóa đơn điện nước hàng tháng.
Chọn cách thuận tiện nhất cho bạn, ví dụ ghi ra giấy, dùng bảng tính hoặc ứng dụng theo dõi chi tiêu miễn phí.
Sau đó, hãy chia các khoản chi theo từng danh mục, chẳng hạn như đi lại, mua sắm, trả góp,... và tính tổng từng khoản tiền.
Sử dụng sao kê thẻ tín dụng và ngân hàng để đảm bảo không bỏ sót khoản chi nào.
2. Thêm khoản tiết kiệm vào ngân sách
Sau khi đã biết mình chi tiêu bao nhiêu trong một tháng, bạn có thể bắt đầu tạo ngân sách.
Ngân sách cần thể hiện mức chi phí so với thu nhập để bạn có thể lên kế hoạch chi tiêu và hạn chế chi tiêu quá mức.
Nhớ tính đến các khoản chi tiêu thường xuyên nhưng không phải hàng tháng, chẳng hạn như bảo dưỡng xe.
Lập một danh mục tiết kiệm trong ngân sách và đặt mục tiêu tiết kiệm một khoản tiền trong mức bạn cảm thấy thoải mái.
Lên kế hoạch để dần tăng khoản tiết kiệm lên 15-20% thu nhập của bạn.
3. Tìm cách cắt giảm chi tiêu
Nếu bạn vẫn không thể tiết kiệm được như mong muốn thì có lẽ đã đến lúc phải cắt giảm chi tiêu.
Hãy xác định những thứ không cần thiết mà bạn có thể cắt giảm, chẳng hạn như giải trí và ăn tiệm.
Tìm cách tiết kiệm các khoản chi tiêu cố định hàng tháng bằng các cách như:
- Tìm nguồn miễn phí: Sử dụng các nguồn lực để tìm cách giải trí miễn phí hoặc chi phí thấp.
- Xem lại các khoản chi định kỳ: Hủy đăng ký các dịch vụ bạn không sử dụng, nhất là các dịch vụ tự động gia hạn.
- So sánh chi phí ăn tiệm với nấu ăn tại nhà: Lên kế hoạch bữa ăn ở nhà và tham khảo ưu đãi của các nhà hàng nếu muốn tự thưởng một bữa ăn tiệm.
- Chờ đợi trước khi mua: Khi bạn muốn mua một thứ gì đó không cần thiết, hãy đợi vài ngày. Bạn có thể nhận ra rằng đó chỉ là thứ bạn muốn chứ không cần - và bạn có thể lập kế hoạch để tiết kiệm dần tiền cho nó.
4. Đặt mục tiêu tiết kiệm
Một trong những cách tốt nhất để tiết kiệm tiền là đặt mục tiêu.
Hãy bắt đầu bằng cách suy nghĩ về những khoản bạn muốn để dành tiền - cả ngắn hạn (1 - 3 năm) và dài hạn (4 - 5 năm trở lên)
Sau đó, ước tính số tiền và thời gian bạn sẽ cần để tiết kiệm được khoản tiền đó.
- Các mục tiêu ngắn hạn phổ biến: Quỹ khẩn cấp (3 - 9 tháng chi phí sinh hoạt), du lịch hoặc tiền đặt cọc mua ô tô.
- Các mục tiêu dài hạn phổ biến: Mua hoặc cải tạo nhà ở, học phí cho con cái hoặc tiền nghỉ hưu.
5. Xác định các ưu tiên tài chính của bạn
Sau chi tiêu và thu nhập thì mục tiêu là yếu tố lớn thứ 3 có thể tác động đến cách bạn phân bổ tiền tiết kiệm.
Ví dụ, nếu bạn cần thay xe mới trong tương lai gần, bạn có thể bắt đầu dành tiền ngay bây giờ.
Tuy nhiên, hãy nhớ các mục tiêu dài hạn, đừng xếp kế hoạch nghỉ hưu sau các nhu cầu ngắn hạn.
Học cách ưu tiên các mục tiêu tiết kiệm có thể giúp bạn biết cách phân bổ tiền tiết kiệm tốt hơn.
6. Chọn đúng công cụ
Có nhiều tài khoản tiết kiệm và đầu tư phù hợp cho các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn.
Bạn không cần phải chọn chỉ một. Hãy xem xét cẩn thận tất cả các tùy chọn và xem xét số dư tối thiểu, phí, lãi suất, rủi ro và thời gian bạn sẽ cần tiền để chọn những cách tiết kiệm phù hợp nhất cho các mục tiêu của mình.
7. Tự động hóa việc tiết kiệm
Hầu hết các ngân hàng đều cung cấp tính năng chuyển khoản tự động từ tài khoản thanh toán vào tài khoản tiết kiệm.
Bạn có thể chọn thời điểm, số tiền để trích một phần tiền lương chuyển trực tiếp vào tài khoản tiết kiệm.
Lợi ích là bạn không cần phải suy nghĩ về nó và bạn ít có khả năng chi tiêu số tiền đó hơn.
8. Theo dõi sự tăng trưởng của khoản tiết kiệm
Xem lại ngân sách và kiểm tra tiến độ tiết kiệm hàng tháng sẽ giúp bạn không chỉ tuân thủ kế hoạch tiết kiệm mà còn xác định và khắc phục các vấn đề một cách nhanh chóng.
Hiểu được cách tiết kiệm tiền thậm chí có thể truyền cảm hứng cho bạn tìm thêm cách tiết kiệm và đạt được mục tiêu nhanh hơn.
(Theo Better Money Habits)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết 8 cách đơn giản và thực tế để tiết kiệm tiền hiệu quả tại chuyên mục Kỹ năng sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].