Theo khuyến cáo của Bệnh viện K, ung thư miệng hay ung thư khoang miệng là bệnh ác tính có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trong khoang miệng như lợi, lưỡi, môi, má, vòm việng, sàn miệng.
Nguyên nhân gây ra ung thư miệng chủ yếu là do thói quen hút thuốc lá thường xuyên, hay niêm mạc miệng bị kích thích bởi vật nhọn như răng, đũa, xương cá...
Yếu tố then chốt để đẩy lùi bệnh ung thư là phát hiện sớm. Do đó, không nên bỏ qua bất kỳ dấu hiệu đáng ngờ nào, đặc biệt là những triệu chứng đột nhiên xuất hiện mà không ảnh hưởng bởi thời tiết hay sức khỏe và kéo dài.
Dấu hiệu ung thư miệng
- Đau hoặc loét không liền hoặc chảy máu.
- Răng lung lay không tìm ra nguyên nhân.
- Xuất hiện mảng trắng hoặc đen, đỏ trong khoang miệng.
- Cảm thấy khó nhai, khó nuốt.
- Miệng có tổn thương dạng xơ cứng, dạng chồi bông cải.
- Khó cử động lưỡi hoặc hàm.
- Sụt cân không mong muốn.
Đây là những dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư miệng. Do đó, khi có những triệu chứng này, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để thăm khám sớm.
Điều trị ung thư miệng thế nào?
Hiện có 3 biện pháp chủ yếu để điều trị ung thư khoang miệng là phẫu thuật, xạ trị và hóa trị.
- Phương pháp phẫu thuật: Với các ung thư miệng đến sớm, việc điều trị có thể tiến hành bằng phẫu thuật cắt bỏ khối u. Tùy theo tiến triển của khối u mà áp dụng các mức độ điều trị phẫu thuật khác nhau như cắt bỏ khối u đơn thuần; cắt u và nạo vét hạch cổ; cắt u, nạo vét hạch cổ kèm phẫu thuật tái tạo.
- Phương pháp xạ trị: Xạ trị được sử dụng phối hợp trước hoặc sau phẫu thuật để tăng thêm hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị nó cũng gây ra nhiều tác dụng phụ như khô miệng, sâu răng, loét, chảy máu khoang miệng, hoại tử xương hàm...
- Phương pháp hóa trị: Có thể dùng phối hợp với xạ trị để làm tăng tác dụng của xạ trị. Việc điều trị có thể gây ra những tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, rụng tóc.
Cách phòng tránh căn bệnh ung thư miệng
- Không hút thuốc lá: Thuốc lá là tác nhân của hầu hết trường hợp ung thư miệng. Từ bỏ thuốc lá sẽ giúp loại bỏ được nguyên nhân rất lớn gây ra căn bệnh này.
- Hạn chế uống rượu: Nguy cơ ung thư khoang miệng tăng gấp sáu lần ở những người nghiện rượu so với những người không uống rượu. Vì vậy, không nên uống rượu hoặc chỉ uống khoảng một ly/ngày.
- Giữ vệ sinh răng miệng: Tình trạng răng miệng kém vệ sinh có thể dẫn đến giảm khả năng miễn dịch của cơ thể trong việc chống lại các tế bào ung thư. Do đó, việc giữ gìn vệ sinh răng miệng là rất quan trọng để phòng tránh bệnh ung thư miệng. Kiểm tra sức khỏe răng miệng định kỳ ít nhất 2 lần/năm.
- Tránh tiếp xúc lâu với ánh nắng mặt trời: Việc tiếp xúc quá lâu với ánh nắng mặt trời có thể làm tăng nguy cơ ung thư môi. Ung thư môi sẽ dẫn đến ung thư biểu mô khoang miệng. Do đó, hãy nhớ dùng kem chống nắng, đeo khẩu trang bảo vệ môi và vùng da mặt bất cứ lúc nào ra ngoài trời nắng gắt.
- Duy trì lối sống lành mạnh: Một chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp với hoạt động thể dục thể thao giúp cho cơ thể tăng sức miễn dịch, bảo vệ cơ thể trước nguy cơ bệnh tật. Đặc biệt, nên ăn nhiều các loại trái cây và rau xanh trong chế độ ăn hàng ngày. Bởi các vitamin và chất chống oxy hóa chứa trong rau quả được chứng minh có thể giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh ung thư.
An AnBạn đang xem bài viết 7 dấu hiệu nhận biết sớm ung thư miệng dễ bị mọi người bỏ qua tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].