Gạo lứt thực chất là loại gạo được bỏ đi lớp trấu bên ngoài nhưng vẫn giữ phần màng cám bên trong. Phần màng này chứa lượng dinh dưỡng rất phong phú, đây là lí do nhiều người “đổ xô” tìm mua loại gạo này để sử dụng.
Gạo lứt hay còn gọi là gạo lật, được coi là thực phẩm thuộc nhóm ngũ cốc nguyên hạt. Loại gạo này không chỉ có hương vị đặc trưng mà còn chứa hàng loạt các chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe như protein, chất xơ, vitamin E, B6, B1, mangan, carbohydrate, magie, kẽm…
Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, để lựa chọn loại gạo lứt phù hợp với thể trạng mỗi người, người tiêu dùng cần chú ý tới công dụng của từng loại gạo.
Dưới đây là những người không nên ăn gạo lứt thường xuyên:
Người có chức năng tiêu hóa kém
Gạo lứt cứng và nhiều chất xơ hơn gạo trắng nên cũng khó tiêu hóa hơn. Đối với những người có chức năng tiêu hóa kém, ăn nhiều gạo lứt cũng như bắt dạ dày phải làm việc vất vả hơn vậy. Những bệnh nhân có bệnh về tiêu hóa nếu ăn nhiều gạo lứt dễ gây giãn nứt tĩnh mạch, xuất huyết dạ dày. Tốt nhất đối tượng này chỉ nên ăn gạo trắng.
Người thiếu hụt canxi, sắt
Trong gạo lứt có chứa Axit phytic, chất này kết hợp với các chất khoáng tạo thành chất kết tủa, gây cản trở việc hấp thu của cơ thể. Vậy nên với những người thiếu hụt canxi, sắt thì không nên ăn nhiều gạo lứt mà nên kết hợp các thực phẩm giàu dinh dưỡng khác như thịt cá, uống sữa,…
Viêm dạ dày, loét dạ dày
Khi bị viêm dạ dày hoặc loét dạ dày thì thành dạ dày đã bị tổn thương, đang ở trạng thái viêm nhiễm, ăn mòn. Khi đó nếu ăn các loại gạo nguyên hạt như gạo lứt, gạo mầm, gạo tím, đậu xanh, đậu đỏ sẽ làm tăng mức độ bào mòn thành dạ dày, làm triệu chứng trầm trọng hơn.
Nếu cơ tay bị viêm, đau bạn cần tránh nắm vật nặng trên tay để cơ được nghỉ ngơi, phục hồi. Tương tự như vậy, khi bao tử bị viêm và bị thương bạn nên tránh những thức ăn khó tiêu, cố gắng ăn cơm gạo trắng mềm và rau dễ tiêu hóa, bổ sung lượng đạm thích hợp để bao tử giảm bớt công việc, cho nó được nghỉ ngơi tốt.
Trào ngược dạ dày thực quản
Có nhiều nguyên nhân khiến trào ngược dạ dày như ăn phải thức ăn kích thích tiết ra một lượng lớn axit dạ dày hoặc thức ăn nằm lâu trong dạ dày có thể gây áp lực lên dạ dày và gây ra trào ngược axit dạ dày.
Gạo lứt, gạo mầm, mì chính ở trong dạ dày rất lâu vì sau khi ăn chúng di chuyển xuống chậm. Những thực phẩm này cũng có xu hướng sinh khí trong đường tiêu hóa, gây đầy hơi.
Vậy nên người bệnh trào ngược dạ dày thực quản nên cố gắng lấy cơm gạo trắng làm thức ăn chính đồng thời nhớ ăn đồ khô và canh cách nhau ít nhất nửa tiếng, không ăn cháo, phở, khi no 80% thì dừng ăn.
Táo bón
Người bị táo bón có thể kèm theo đầy hơi, khó tiêu nên nếu ăn các loại ngũ cốc nguyên hạt hay gạo lứt khó tiêu sẽ khiến tình trạng đầy hơi trở nên nghiêm trọng hơn.
Thay gạo trắng bằng gạo lứt, gạo mầm, yến mạch, khoai lang có thể làm tăng tần suất đi tiêu nhưng vẫn sẽ xuất hiện các triệu chứng như đi tiêu không hết, đầy hơi, đi ngoài nhiều.
Thêm nữa, nhiều người bị táo bón thích ăn mỳ, mỳ được làm từ lúa mỳ, tính ấm nên dễ làm cho môi trường tiêu hóa khô và thiếu nước. Nếu thích ăn mỳ thì bạn vẫn nên ăn 1 bữa cơm trắng trong ngày để cân bằng chế độ ăn uống.
Một nguyên nhân phổ biến dẫn đến táo bón là nhu động ruột yếu và nhiệt độ quá cao trong hệ tiêu hóa. Gạo trắng rất dễ tiêu hóa, có thể bổ sung khí cho lá lách và phổi, cung cấp năng lượng và làm cho nhu động ruột hoạt động mạnh mẽ.
V.LinhBạn đang xem bài viết Gạo lứt rất tốt nhưng 5 người đừng dại thay cơm gạo trắng bằng gạo lứt, cực hại hệ tiêu hóa và dạ dày tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].