Suy kiệt vì thực dưỡng
Thông tin từ bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân 59 tuổi, ở Hà Nội trong tình trạng đau bụng dữ dội, cơ thể suy kiệt.
Khi làm các xét nghiệm, bác sĩ phát hiện bệnh nhân nhiễm toan chuyển hoá rất nặng, men gan lên tới hàng nghìn đơn vị/lít. Ngay lập tức, bệnh nhân được cho thở máy, lọc máu liên tục.
Theo gia đình, bệnh nhân bị bệnh tiểu đường, dùng thuốc bác sĩ kê đã 2 năm nay. Tuy nhiên, 2 tháng trở lại đây, bệnh nhân ngừng uống thuốc, sử dụng phương pháp ăn thực dưỡng được quảng cáo trên mạng.
Hàng ngày, bệnh nhân chỉ ăn gạo lứt, muối vừng, uống sữa hạt và ngồi thiền.
Sau 2 tháng, bệnh nhân giảm 7kg. Tuy nhiên, cơ thể càng ngày càng yếu. Tình trạng đau bụng tăng dần, đến khi không chịu nổi mới vào bệnh viện cấp cứu.
Sau 4 ngày điều trị tích cực, nhưng do tình trạng quá nặng, bệnh nhân đã không qua khỏi.
Thực dưỡng có chữa được ung thư, tiểu đường không?
GS.TS Lê Thị Hương, Phụ trách Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện K cho biết, việc đưa ra phương pháp phù hợp điều trị cần quá trình kiểm tra, thăm khám, đánh giá, hội chẩn của các bác sĩ. Tất cả quy trình này đều dựa trên nền tảng khoa học.
Hiện nay có một số bệnh nhân khi phát hiện ung thư, thay vì đến các bệnh viện để thăm khám, tư vấn của bác sĩ thì lại nghe theo các phương pháp chữa bệnh không chính thống, không có trong y văn, sử dụng những sản phẩm thiếu nguồn gốc, hạn chế lượng chất dinh dưỡng nạp vào cơ thể.
Các phương pháp này chủ yếu là do truyền miệng hoặc xem thông tin từ mạng xã hội sẽ để lại hậu quả khó lường. Đầu tiên sẽ khiến do người bệnh không đảm bảo sức khỏe, thể trạng yếu thì không thể điều trị bệnh ung thư theo phác đồ được.
Chế độ ăn của các bệnh nhân đều cần phải đảm bảo sự cân bằng và đầy đủ đề dinh dưỡng: Ngũ cốc để cung cấp năng lượng, thịt cá để cung cấp protein, dầu mỡ để cung cấp chất béo, rau quả để cung cấp vitamin và khoáng chất.
Với chế độ ăn kiêng khem loại bỏ hoàn toàn các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật, thậm chí là chỉ ăn 100% gạo lứt, muối mè sẽ khiến cơ thể bị thiếu hụt trầm trọng protein (chất đạm).
Trong khi đó, protein rất cần thiết trong việc xây dựng các cấu trúc trong cơ thể, cần có protein đề xây dựng nên các tế bào mới liên tục thay thế cho các tế bào cũ chết đi theo chu kỳ bình thường của tế bào.
Bên cạnh đó, protein còn tham gia vào các chức năng miễn dịch, các loại hormone. Khi thiếu đi protein thì cơ thể trở nên rất mệt mỏi và không thể vận hành một cách bình thường được nữa.
An ViệtBạn đang xem bài viết Tử vong vì thực dưỡng, 2 tháng chỉ ăn gạo lứt, muối vừng, ngồi thiền tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].