Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

5 dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm trong thời kỳ sau sinh

Sau khi sinh em bé, sản phụ có thể gặp rất nhiều vấn đề về sức khỏe. Nếu không được chăm sóc, nhận biết và khắc phục kịp thời có thể để lại hậu quả khôn lường.

Chăm sóc trong ngày đầu sau sinh

Ngay sau khi sinh, cơ thể người mẹ còn mệt mỏi và cũng rất dễ xảy ra tai biến. Vì vậy, sản phụ sẽ được chăm sóc đặc biệt để đảm bảo sức khỏe và lấy lại sức.

Lúc này, nhân viên y tế sẽ đặt em bé nằm da kề da trên ngực mẹ và hỗ trợ người mẹ cho con bú sớm trong vòng 1 giờ sau sinh. Mẹ cho bé bú sớm sẽ kích thích tử cung co lại để tránh chảy máu và giúp sớm tiết sữa.

Sau sinh, sản phụ sẽ được chăm sóc chăm sóc tại cơ sở y tế ít nhất 24 giờ sau sinh. Tại đây, nhân viên y tế sẽ tư vấn, hướng dẫn mẹ cách cho con bú đúng cách, bú mẹ hoàn toàn, cách vắt sữa…

Sau sinh người mẹ sẽ được hướng dẫn chăm sóc và cho con bú đúng cách. Ảnh minh họa

Sau sinh người mẹ sẽ được hướng dẫn chăm sóc và cho con bú đúng cách. Ảnh minh họa

Ngoài ra, những ngày đầu sau sinh, để tử cung co tốt, giúp tránh chảy máu, sản phụ nên xoa nhẹ vùng bụng dưới.

Người mẹ nên ăn các thức ăn mềm, đủ chất dinh dưỡng để lấy lại sức và có sữa cho con bú.

Đồng thời, sản phụ cần theo dõi sản dịch để sớm phát hiện chảy máu sau sinh, nếu thấy ra máu đỏ tươi hoặc có máu cục cần báo ngay cho cán bộ y tế hoặc đưa ngay đến cơ sở y tế.

5 dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm trong thời kỳ sau sinh

Sau sinh, sản phụ cần tự theo dõi sức khỏe của mình, nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu nào thì phải báo ngay cho nhân viên y tế hoặc được người nhà đưa ngay đến cơ sở y tế.

Sau sinh em bé, sản phụ gặp phải dấu hiệu đau đầu nhiều, nhìn mờ thì cần được đi khám ngay. Ảnh minh họa

Sau sinh em bé, sản phụ gặp phải dấu hiệu đau đầu nhiều, nhìn mờ thì cần được đi khám ngay. Ảnh minh họa

Có 5 dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm trong thời kỳ sau sinh mà người mẹ cần lưu ý gồm:

  1. Ra máu tăng dần hoặc có máu cục.
  2. Sốt.
  3. Đau bụng âm ỉ kéo dài hoặc dịch chảy ra từ cửa mình có mùi hôi.
  4. Phù mặt, chân, tay hoặc nhìn mờ, đau đầu nhiều.
  5. Ngất hoặc co giật

Khi có bất kỳ một trong những dấu hiệu kể trên, sản phụ cần được đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để để thăm khám và khắc phục kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm. 

Chăm sóc thời kỳ hậu sản

Thời kỳ hậu sản là giai đoạn 42 ngày sau sinh, tương đương 6 tuần. Để nhanh chóng phục hồi khỏe lại và có đủ sữa nuôi con, sản phụ cần:

  • Dinh dưỡng: Ăn uống đầy đủ, cân bằng dinh dưỡng, đa dạng loại thức ăn. Nên bổ sung sữa hoặc chế phẩm từ sữa trong chế độ ăn. Sản phụ cần nhớ không cần kiêng khem gì, tuy nhiên nên ăn thức ăn ấm, không ăn đồ cay, nóng. Đặc biệt, người mẹ cần uống đủ nước, khoảng 2 lít nước mỗi ngày.
  • Tiếp tục uống viên sắt đến hết tháng đầu sau sinh.
  • Uống 1 viên Vitamin A 200.000 đơn vị, theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Vệ sinh vùng kín ít nhất 3 lần mỗi ngày khi còn sản dịch và thay băng vệ sinh.
  • Tắm nhanh bằng nước ấm. Bạn cũng cần vệ sinh vú sạch sẽ bằng khăn ấm.
  • Không sử dụng bất cứ loại thuốc nào khi chưa có hướng dẫn của bác sĩ.
  • Ngủ ít nhất 8 giờ một ngày
  • Nghỉ ngơi ít nhất 6 tuần sau sinh
  • Không sinh hoạt tình dục trong 42 ngày đầu (6 tuần) sau sinh. Sản phụ có thể có thai nếu có quan hệ tình dục trở lại ngay sau khi kết thúc thời kỳ hậu sản. Vì vậy, cần áp dụng biện pháp tránh thai phù hợp.
  • Mẹ bỉm sữa nên vận động nhẹ nhàng, tập các bài tập thể dục để tăng cường sức khỏe và lấy lại vóc dáng.
Sau sinh, người phụ nữ vô cùng nhạy cảm, dễ căng thẳng, mệt mỏi nên rất cần sự quan tâm giúp đỡ của chồng và người thân. Ảnh minh họa

Sau sinh, người phụ nữ vô cùng nhạy cảm, dễ căng thẳng, mệt mỏi nên rất cần sự quan tâm giúp đỡ của chồng và người thân. Ảnh minh họa

Ngoài ra, thời kỳ sau sinh, người phụ nữ vô cùng nhạy cảm. Đừng ngại ngần khi yêu cầu chồng và người thân giúp đỡ mình các công việc như:

  • Hỗ trợ sản phụ khi gặp khó khăn trong việc cho con bú, gọi nhân viên y tế để được giúp đỡ.
  • Giúp đỡ sản phụ giảm cương tức vú bằng cách xoa nhẹ làm mềm vú.
  • Chuẩn bị thức ăn giàu dinh dưỡng, ấm nóng cho người mẹ để tăng tiết sữa.
  • Nhắc mẹ bỉm sữa uống viên sắt – axít folic đều đặn hàng ngày.
  • Biết các dấu hiệu nguy hiểm của phụ nữ sau sinh để đưa đến cơ sở y tế kịp thời.
  • Người mẹ hãy chủ động sự chia sẻ với chồng và người thân về những khó khăn đang gặp phải sẽ giúp cho mình thoải mái về tâm lý, phục hồi sức khỏe và yên tâm chăm bé yêu. Ngược lại sự giúp đỡ của người chồng, người thân sẽ là nguồn động viên quý báu để người mẹ vượt qua mệt mỏi và những căng thẳng, đủ sữa nuôi con.

----

*Tài liệu tham khảo: Cẩm nang Hành trình Mang thai và nuôi con khỏe mạnh (Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế)

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO