Trong thời gian mang thai, người mẹ phải đối mặt với những thay đổi tác động trực tiếp lên những bộ phận cơ thể, gây đau đớn, khó chịu.
Trong đó, mẹ bầu phải đặc biệt quan tâm đến 5 bộ phận dễ bị tổn thương nhất trong thời kỳ mang thai dưới đây:
1. Bàn chân
Mọi người thường nói rằng khi mang bầu chân sẽ tăng kích cỡ. Nhưng phải đến khi thực sự trải qua mẹ mới hiểu bàn chân phải chịu đựng sự khó chịu như thế nào.
Không chỉ tăng lên 1 size, thậm chí chân mẹ có thể tăng lên tới 2, 3 size và thường xuyên bị sưng phù khó chịu.
Đặc biệt vào 3 tháng cuối thai kỳ, đôi chân sẽ sưng phù và đau đớn vì phải đỡ cả cơ thể tăng lên từ 10-20kg. Không chỉ bàn chân, mắt cá chân người mẹ cũng có triệu chứng sưng và đau đớn hơn.
Mẹ sẽ gặp khó khăn khi đi lại, đặc biệt là khi đi bộ hoặc đứng quá lâu.
Để giảm bớt khó chịu, mẹ nên kê chân lên cao mỗi khi nằm hoặc ngồi. Ngoài ra, mẹ nên chọn giày dép rộng rãi, thoải mái và tránh đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu.
2. Đầu
Đau đầu là dấu hiệu phổ biến trong thời kỳ mang thai. Triệu chứng này có thể kéo dài trong suốt những tháng đầu thai kỳ do sự thay đổi của hormone.
Trọng lượng thai nhi tăng lên nhanh chóng gây ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu của toàn cơ thể cũng như hệ thần kinh, thiếu máu đưa lên não cũng là một trong những nguyên nhân khiến mẹ đau đầu.
Từ tháng thứ 4, triệu chứng này sẽ giảm dần.
Khi bị đau đầu, mẹ không nên tự ý dùng thuốc mà nên dành thời gian nghỉ ngơi. Nếu tình trạng quá nặng, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn.
Phụ nữ mang thai nên tập thể dục nhẹ nhàng rất có lợi cho tình trạng đau nửa đầu. Các bài tập yoga, đi bộ, thiền, bơi lội đều tốt cho sức khỏe của mẹ và bé.
Đồng thời có thể kết hợp massage vùng đầu, vai gáy, gan bàn chân giúp lưu thông máu và giảm đau đầu hiệu quả.
Hàng ngày, mẹ nên uống nhiều nước, ăn trái cây tươi, có chế độ ăn uống hợp lý để tránh hạ đường huyết. Hạn chế sử dụng đồ uống có ga, nước ép trái cây đóng chai, thịt chế biến sẵn, socola, bánh kẹo...
Nên nghỉ ngơi, ngủ những giấc ngủ ngắn trong ngày. Nên ngủ ở nơi yên tĩnh, phòng tối giúp giấc ngủ ngon hơn.
3. Thận
Khi mang thai, bàng quang người mẹ phải làm việc với công suất cao hơn, tạo gánh nặng lên thận, khiến bà bầu thường xuyên buồn đi tiểu và cảm giác đau lưng suốt thai kỳ.
Đây là triệu chứng bình thường và sau sinh sẽ khỏi hẳn.
Để giảm triệu chứng đau đặc biệt là đau sỏi thận, thai phụ nên bổ sung nước ép rau diếp cá, dứa, tối thiểu 2,5 lít nước lọc mỗi ngày cùng những loại rau có lá màu xanh sẫm.
Mặc dù sữa rất tốt cho mẹ bầu nhưng nên tránh uống sữa vào buổi tối trước khi đi ngủ vì lúc này lượng nước tiểu giảm, tốc độ tuần hoàn khi ngủ chậm lại, các chất cặn trong nước tiểu tăng lên dễ hình thành sỏi axit.
Mẹ có thể uống nước pha loãng 1 nửa quả chanh tươi mỗi ngày để ngăn ngừa sỏi thận, khi bị đau thận uống một cốc nước pha chanh cũng có tác dụng giảm nhanh cơn đau.
4. Bụng
Bụng là bộ phận chịu thay đổi lớn nhất trong 9 tháng mang thai để đáp ứng nhu cầu lớn lên của thai nhi.
Quá trình em bé lớn lên sẽ khiến bụng tăng kích cỡ, dẫn đến những tác dụng phụ như căng da, rạn nứt, ngứa ngáy, thậm chí là đau đớn.
Chính vì vậy ngay khi mang bầu, mẹ nên chú ý đến việc chăm sóc da bụng, sử dụng kem dưỡng ẩm hoặc sử dụng dầu dừa, sữa tươi để massage vùng bụng.
Ngoài ra, phụ nữ mang bầu cần chú ý không tăng cân quá nhiều, quá nhanh khiến da bị rạn nứt nhanh chóng.
Độ đàn hồi của làn da sẽ tốt hơn khi mẹ bầu tập thể dục. Trong quá trình tập, các tuyến dầu dưới da kích thích tiết bã nhờn, khiến da không bị khô và hạn chế những vết rạn.
Chế độ ăn giàu vitamin A, C, E và chất chống oxy hóa cũng làm da khỏe hơn khi được nuôi dưỡng từ bên trong.
5. Hông
Hông của người mẹ khi mang thai sẽ chịu trách nhiệm nâng đỡ bụng bầu.
Vì vậy khi thai nhi càng lớn sẽ khiến vùng hông chịu lực càng lớn, gây nhức mỏi, đau đớn. Cảm giác đau đớn sẽ xuất hiện khi mẹ đứng, ngồi, thậm chí là nằm hay xoay người.
Để hạn chế tác dụng phụ này, mẹ bầu nên tập luyện thể thao đều đặn mỗi ngày, lưu ý những bài tập dành cho hông sẽ giúp bớt khó chịu, đau đớn hơn.
Tư thế ngủ cũng giúp mẹ bầu giảm bớt đau đớn. Khi cơn đau xuất hiện, thai phụ nên nằm nghiêng để giảm sức ép lên lưng và hông. Nên nằm nghiêng về phần hông không bị đau, ví dụ, nếu cơn đau xuất phát ở hông bên phải, bạn hãy nằm nghiêng ở bên trái.
Lam ĐiểuBạn đang xem bài viết 5 bộ phận chịu ảnh hưởng, bị 'thiệt thòi' nhất mẹ cần chăm sóc khi mang thai tại chuyên mục Cẩm nang của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].