ThS.BS Lê Thị Hồng Thắm - Khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cảnh báo nguy cơ bùng phát nhiều bệnh lý hô hấp như cúm, viêm xoang, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi… do nồm ẩm kéo dài. Người có bệnh nền như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen suyễn có thể khởi phát các đợt cấp nguy hiểm.
Thời tiết nồm xảy ra khi độ ẩm trong không khí cao hơn 85%, gây tụ hơi nước trong nhà khiến nấm mốc và các loại virus, vi khuẩn phát triển mạnh.
Các gia đình thường có thói quen đóng kín cửa để ngăn hơi nước vào nhà, không khí tù túng, lưu thông kém, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi sinh vật sinh sôi và gây bệnh.
Đóng kín cửa cũng khiến nhiệt độ trong và ngoài nhà chênh lệch lớn, cơ thể khó thích ứng, dễ nhiễm bệnh hơn.
Trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh nền hay phụ nữ mang thai là các nhóm dễ nhiễm bệnh do sức đề kháng kém.
Để phòng tránh bệnh hô hấp trong mùa nồm ẩm, các gia đình nên chú ý:
1. Giảm bớt độ ẩm trong phòng
Các gia đình có thể sử dụng máy hút ẩm hoặc bật điều hòa chế độ khô để giảm bớt độ ẩm trong không khí, nên duy trì độ ẩm khoảng 40-60%.
Thảm trải sàn có đặc tính hút ẩm cao, dễ bị ẩm mốc, có thể trở thành nguồn phát tán bệnh.
Nên hạn chế dùng thảm trải sàn khi thời tiết nồm ẩm.
2. Mặc nhiều lớp để điều chỉnh trang phục phù hợp, tránh nhiễm lạnh
Thời tiết khi trời nồm thường thay đổi liên tục, sáng mưa phùn kèm sương mù, trưa hửng nắng, tối mưa lạnh khiến cơ thể khó thích nghi kịp, dễ nhiễm bệnh.
Nên mặc nhiều lớp khi ra ngoài để có thể dễ dàng thay đổi trang phục phù hợp.
Chú ý giữ ấm mũi miệng, tai, cổ, vùng ngực và tay chân, tránh các bộ phận này bị nhiễm lạnh.
3. Giữ ấm cơ thể khi uống rượu, bia
Mùa nồm thường rơi vào tháng 2 - 4 hàng năm, trùng thời gian với dịp Tết, lễ hội, nhiều tiệc tùng.
Bác sĩ Thắm khuyên người đã uống đồ uống có cồn như rượu, bia cần đặc biệt chú ý giữ ấm cơ thể.
Đồ uống có cồn làm giãn mạch ngoại vi, tạo cảm giác nóng “ảo” khiến nhiều người chủ quan ăn mặc phong phanh, tiếp xúc với không khí lạnh rất dễ bị cảm, viêm phổi nặng, thậm chí đột quỵ, nguy hiểm tính mạng.
4. Tăng cường sức đề kháng
Các gia đình cần chủ động nâng cao sức đề kháng cho cơ thể bằng cách đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, duy trì việc luyện tập thể dục, chủ động tiêm phòng vắc-xin.
Khi có triệu chứng hô hấp như ho, sổ mũi, sốt, đau họng... cần đi khám để chẩn đoán chính xác bệnh và điều trị. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc kháng sinh, thuốc hạ sốt điều trị, không dùng lại đơn thuốc cũ.
Người có bệnh mạn tính cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, duy trì đơn thuốc và thực hiện biện pháp kiểm soát bệnh.
Hoàng Nguyên (t/h)Bạn đang xem bài viết Trời nồm ẩm dễ sinh bệnh: 4 việc nên làm để bảo vệ sức khỏe cho cả nhà, nhất là người già và trẻ nhỏ tại chuyên mục Tư vấn chuyên gia của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].