Báo Điện tử Gia đình Mới

4 trẻ bị bỏng nước sôi vì sự bất cẩn của người lớn, cách sơ cứu đúng nhất cho trẻ

Chỉ trong 2 ngày, Khoa Bỏng, BV ĐK Xanh Pôn đã tiếp nhận và điều trị cho 4 trẻ bỏng nước sôi do sự bất cẩn của người lớn. Khi trẻ bị bỏng cha mẹ nên sơ cứu thế nào cho đúng?

Theo thông tin từ BV ĐK Xanh Pôn, liên tiếp trong 2 ngày (10 - 11/11), Khoa Bỏng của bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho 4 trẻ bỏng nước sôi do sự bất cẩn của người lớn.

Điểm chung là các bệnh nhi này là ở độ tuổi rất nhỏ, bị bỏng trong tình huống  bất ngờ. Đó là các trường hợp cháu Q., 12 tháng tuổi, quê Phú Yên, bị bỏng do với tay vào bát mỳ tôm mẹ đang ăn dở; Cháu H., 12 tháng tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội, bị bỏng do nhúng chân vào chậu nước tắm chưa kịp hòa nước lạnh; Cháu T., 15 tháng, ở quận Long Biên, Hà Nội, bị bỏng do với tay vào ấm siêu tốc đang đun, khiến nước sôi đổ vào người; Cháu H., 6 tuổi, ở Cầu Giầy, Hà Nội, bị bỏng do bất cẩn ngã vào vào chậu nước sôi.

Trong số các trẻ bị bỏng kể trên, nặng nhất là trường hợp cháu Q., 12 tháng tuổi. Bé bị nước nóng từ bát mỳ tôm đổ vào vùng mặt, cổ, tay khiến cháu  bị bỏng 15%  độ II.

  Bé Q. bị nước bỏng nước sôi từ bát mỳ tôm đổ vào vùng mặt, cổ, tay và đang được nhân viên y tế xử lý vết bỏng

Bé Q. bị nước bỏng nước sôi từ bát mỳ tôm đổ vào vùng mặt, cổ, tay và đang được nhân viên y tế xử lý vết bỏng

Ngay khi bé được đưa vào viện, các bác sĩ đã dùng thuốc xịt bỏng, dùng gạc vô khuẩn băng vị trí bỏng, sử dụng thuốc giảm đau, truyền dịch và kháng sinh thay băng tại chỗ hàng ngày. Ngoài ra, bé Q. cũng đang được các bác sĩ chuyên khoa mắt theo dõi sát sao do nước nóng bắn cả vào mắt.

Theo các bác sĩ, lứa tuổi bị bỏng nhiều nhất là từ 2 đến 5 tuổi, do độ tuổi này trẻ rất hiếu động, tò mò, muốn khám phá và chưa ý thức được nguy hiểm.

Khi chẳng may bị bỏng, trẻ thường bị tổn thương rất đa dạng, ở nhiều vị trí như: chân, lưng, cánh cẳng tay, đặc biệt là bàn tay, rất nhiều trường hợp để lại di chứng nặng nề, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt cũng như chất lượng sống của trẻ sau này.

Ngoài ra, các vị trí bỏng ở vùng mặt hoặc bộ phận sinh dục cũng rất nguy hiểm vì ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chức năng sinh sản sau này của trẻ. Cùng với đó là thời gian điều trị lâu dài, tốn nhiều chi phí.

Cha mẹ cần làm gì khi trẻ bị bỏng nước sôi?

Theo các bác sĩ của BV Xanh Pôn, biện pháp quan trọng số một giúp giảm thiểu mức độ tổn thương do bỏng đó là xử trí đúng, kịp thời ngay từ giây phút đầu tiên trẻ bị bỏng. Các bước sơ cứu cho trẻ bị bỏng nước sôi như sau:

Bước 1: Việc đầu tiên các gia đình cần làm là phải nhanh chóng bộc lộ vị trí bị bỏng. Trường hợp vùng bỏng lớn thì không nên cởi bỏ quần áo khiến trẻ bị lột da vùng bỏng.

Thay vào đó, nên nhanh chóng dùng kéo cắt áo quần ra khỏi vết bỏng, tránh việc áo quần dính chặt vào vết bỏng khiến vết bỏng bị đau rát, dễ viêm nhiễm. Nhẹ nhàng tháo bỏ các tư trang cá nhân, vòng lắc hoặc đồng hồ, giày dép… trước khi vết bỏng bị sưng nề.

Bước 2: Đưa vết bỏng vào dưới vòi nước hoặc vào chậu nước mát và sạch để giảm nhiệt độ bỏng, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm và giảm độ sâu của vết thương, hạn chế tổn thương lan rộng.

Nếu không, có thể dội nước mát sạch lên đó vài lần. Ngay cả khi da không còn tiếp xúc với tác nhân gây bỏng, nhiệt tích tụ ở vết bỏng vẫn tiếp tục gây tổn thương sâu hơn.

Tuyệt đối không dùng nước đá lạnh để làm mát vì có thể gây tổn thương da. Không áp dụng các biện pháp truyền miệng như phun rượu, bôi kem đánh răng, lòng trắng trứng lên vết bỏng để tránh làm gia tăng tổn thương. Nếu có thuốc xịt bỏng thì nhanh chóng xịt cho trẻ.

  Đưa vết bỏng vào dưới vòi nước hoặc vào chậu nước mát và sạch để giảm nhiệt độ bỏng, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm. Ảnh minh họa

Đưa vết bỏng vào dưới vòi nước hoặc vào chậu nước mát và sạch để giảm nhiệt độ bỏng, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm. Ảnh minh họa

Bước 3: Bảo vệ vết thương để tránh tổn thương và nhiễm trùng thêm bằng cách: dùng bằng gạc sạch hoặc vải mỏng băng nhẹ nhàng che phủ vết bỏng, tránh băng quá chặt làm tổn thương tại vết bỏng nặng thêm.

Không được tiếp xúc trực tiếp với vết bỏng để tránh nhiễm khuẩn.

Bước 4: Nhanh chóng đưa trẻ các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời, giúp hạn chế tối đa các biến chứng.

Cha mẹ cũng cần lưu ý, trong trường hợp bé hoảng loạn, cha mẹ nên động viên, trấn an bé. Nếu trẻ đau nhiều thì dùng thuốc giảm đau.

Tuyệt đối không được tự ý sử dụng thảo dược không rõ nguồn gốc để cấp cứu và tự “chữa” bỏng cho trẻ.

Đối với các trường hợp bị bỏng nặng, có chỉ định điều trị nội trú, bệnh nhi sẽ được xử lý chống sốc, bù nước điện giải, điều trị vết bỏng bằng các loại thuốc bôi, đắp đặc hiệu chuyên trị bỏng. Nếu bỏng sâu, sẽ cần cắt lọc các tổ chức hoại tử và ghép da.

Song song với điều trị, cần thực hiện phục hồi chức năng cho bệnh nhi để hạn chế những di chứng của sẹo.

Phòng ngừa bỏng cho trẻ bằng cách nào?

Khi trông giữ, chăm sóc trẻ nhỏ, người lớn trong nhà cần chú ý, trẻ nhỏ vốn hiếu động… do đó cha mẹ cần luôn chú ý giám sát trẻ, cần để phích nước sôi, cốc nước nóng, thức ăn mới nấu, bàn là đang nóng, bật lửa... ở nơi trẻ không sờ hoặc với tới được.

Khi nấu ăn luôn quay cán xoong, chảo vào phía trong. Không để trẻ nhỏ tự tắm vòi nước nóng lạnh, nếu tắm chậu cho trẻ, cần đổ nước lạnh vào trước và hòa nước nóng sau, luôn kiểm tra nhiệt độ nước trước khi tắm cho trẻ.

Khi bê nước nóng, thức ăn mới nấu, cần tránh xa trẻ để không va đụng. Kiểm tra nhiệt độ của thức ăn, đồ uống trước khi cho trẻ ăn, uống. Không nên ăn thức ăn, uống nước nóng khi bế trẻ nhỏ…tránh trường hợp trẻ nghịch bị đổ gây bỏng.

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO