Chi tiêu thông minh và tiết kiệm tiền có thể là một thách thức lớn đối với bất cứ ai, đặc biệt là các sinh viên mới tốt nghiệp đại học.
Giáo sư Dan Ariely cũng từng là nạn nhân của các quảng cáo trên mạng xã hội về những sản phẩm công nghệ mới nhất với các tính năng thú vị. Ông từng nhất nút mua hàng mà không cân nhắc chúng có thực sự cần thiết hay không.
Còn bây giờ, GS Ariely sẽ tự cho mình một khoản thời gian để bình tĩnh lại trong khoảng 48 giờ trước khi mua hàng. Điều này giúp ông tránh được việc mua sắm bốc đồng.
Học cách suy nghĩ chín chắn trước khi mua hàng chỉ là một trong các thói quen tài chính hàng đầu của giáo sư Dan Ariely.
GS cho rằng điều quan trọng là chi tiêu thông minh hơn chứ không phải chi tiêu ít hơn.
Dưới đây là 4 lời khuyên hàng đầu mà GS Dan Ariely đưa ra cho các sinh viên để giúp họ trở nên hiểu biết hơn về tài chính sau khi tốt nghiệp.
1. Cảm giác hào hứng với những món đồ mới sẽ biến mất rất nhanh
Khi có thu nhập ổn định hoặc cao hơn, bạn có thể muốn nâng mức chi tiêu của mình. Tuy nhiên, các sinh viên mới tốt nghiệp nên tránh phung phí vào những thứ mới mẻ hoặc thời thượng, theo GS Ariely.
Ông nhắc tới khái niệm vòng xoáy khoái lạc (hedonic treadmill), là khái niệm đề cập xu hướng của con người là luôn quay trở lại mức hạnh phúc cơ bản, bất kể những thăng trầm của cuộc sống.
"Khi bạn có được một món đồ mới, bạn sẽ thấy hào hứng, nhưng rồi bạn sẽ quen với nó rất nhanh. Nếu bạn mua ti vi, sô pha, điện thoại, ô tô,... mọi thứ trong cùng một tuần thì sau một tháng, bạn sẽ quên tất cả chúng", GS Ariely phân tích.
Tất nhiên, nói vậy không có nghĩa là bạn không nên đối xử tốt với bản thân khi bắt đầu kiếm được số tiền ổn định sau khi tốt nghiệp. Điều quan trọng là bạn nên "phân chia" những khoản chi tiêu lớn và suy nghĩ kỹ về những gì định mua.
2. Nghĩ về tương lai chứ không chỉ hiện tại
GS Ariely nói: “Những sinh viên mới tốt nghiệp có thể bị cám dỗ với việc mua sắm thường xuyên.".
Ông khuyên nên cố gắng chống lại cám dỗ này, đừng để bản thân bị mắc nợ khi còn trẻ và bắt đầu tiết kiệm càng sớm càng tốt.
Bạn cũng nên hạn chế vay tiền nếu có thể, đó là một trong 3 thói quen chính cần cố gắng duy trì khi bạn bắt đầu đi làm.
2 thói quen khác là không chi tiêu quá mức thu nhập và thiết lập thói quen tiết kiệm, đầu tư cho tương lai.
3. Xem lại cách chi tiêu và những hối tiếc trong quá khứ
Khi lập kế hoạch tài chính, mọi người thường nhìn về phía trước. Nhưng bạn cũng nên xem lại các chi tiêu trước đây và mức độ hạnh phúc chúng mang lại cho bạn.
Trong một nghiên cứu của mình, GS Ariely đã yêu cầu người tiêu dùng xem lại lịch sử giao dịch thẻ tín dụng và nhớ lại những hối tiếc khi mua sắm.
Nghiên cứu đã hỏi hơn 1.000 người tiêu dùng từ 20 đến 36 tuổi (thuộc Gen Y) để xác định những giao dịch mua sắm mà họ thấy hối tiếc hoặc hài lòng.
GS Ariely và cá cộng sự đã phát hiện rằng Gen & cảm thấy hài lòng hơn khi mua sắm có kế hoạch (70%) so với mua sắm bốc đồng (50%).
Ông khuyên các sinh viên của mình nên suy ngẫm về những lần mua sắm trước đây của họ và xác định những lĩnh vực mà họ đã vô tình chi tiêu quá tay.
Cũng trong nghiên cứu này, mua sắm vào cuối tuần là nguyên nhân chính gây ra những hối tiếc. Việc ra ngoài mua sắm thường khá đắt đỏ vì tốn cả chi phí đi lại cộng với chi phí thực phẩm.
4. Tìm niềm vui trong việc tiết kiệm
Việc tiết kiệm tiền cũng giống như ăn uống lành mạnh hay tập thể dục, nó có thể làm bạn cảm thấy khổ sở vì nhiệm vụ đòi hỏi khắt khe. Nhưng bạn cũng có thể tìm thấy niềm vui khi làm những điều tốt cho bản thân.
GS Ariely khuyên bạn nên "tìm thấy niềm vui" trong những thói quen tài chính cần thiết như tích lũy tiền tiết kiệm.
Khi bạn tiết kiệm và đạt được sự thoải mái về tài chính, hãy dành chút thời gian để ghi nhận những thành tựu của mình cũng như tự thưởng cho bản thân
Bạn có thể đi chơi cùng bạn bè hoặc mua sắm một bộ quần áo mới. Hãy tự hào về khả năng tiết kiệm của mình và không quên đối xử tốt với bản thân.
(Theo CNBC)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết Tiết kiệm chứ không hà tiện: 4 mẹo tiền bạc hàng đầu của chuyên gia kinh tế học hành vi tại chuyên mục Kỹ năng sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].