Theo nhà khoa học thể thao Joanna Hall, người sáng lập WalkActive, có 4 sai lầm phổ biến khi đi bộ mà hầu hết mọi người mắc phải.
Để tránh mắc những sai lầm này, hãy áp dụng các mẹo hữu ích của Hall để đi bộ đúng cách.
4 mẹo để sửa chữa những sai lầm phổ biến khi đi bộ
1. Bước chân cao hơn
Đầu tiên, để cải thiện cách đi bộ, bạn phải chú ý đến cách bước chân của mình.
Theo Hall, mọi người thường sải bước ngắn và phụ thuộc quá nhiều vào cơ hông (cơ bắp chịu trách nhiệm đưa đầu gối về phía ngực) khi đi bộ, mà không sử dụng đúng cách cơ mông và cơ đùi sau (cơ gân kheo).
Hall giải thích: "Nếu phụ thuộc quá nhiều vào cơ hông, chúng ta sẽ không thể sử dụng cơ mông đúng cách. Điều này cùng với lối sống và thời gian ngồi nhiều sẽ làm cơ hông bị hao mòn rất nhiều.
Khi đi bộ, mọi người thường cảm thấy khó chịu ở lưng dưới sau buổi tập hoặc có thể gặp vấn đề ở đầu gối. Đó là bởi vì họ đang bước chân quá thấp và không dùng các cơ phía sau như cơ mông và cơ đùi sau".
Thay vào đó, Hall khuyên bạn nên bước chân cao hơn bằng cách sau. Tưởng tượng như có một tờ giấy nhớ dán dưới đế giày của bạn. Khi đi bộ, hãy bước chân cao hơn để khi nhấc gót chân nâng lên, người đứng sau có thể đọc được tờ giấy đó.
"Điều này sẽ khiến bạn bắt đầu phải dùng cơ mông và cơ đùi sau, đồng thời giảm sử dụng cơ hông, giúp bảo vệ lưng và cải thiện tư thế của bạn", Hall giải thích.
2. Chú ý bàn chân để cố định hông
Mẹo thứ 2 vẫn bắt nguồn từ cách bạn sử dụng bàn chân của mình.
Hall cho biết: "Mọi người có xu hướng đi bộ bằng bàn chân phẳng, được gọi là bàn chân thụ động. Khi chúng ta bước về phía trước, bàn chân hạ xuống như một khối thống nhất, nhưng bàn chân có 26 xương và có rất nhều khớp nối, cần được vận động. Nhưng khi chúng ta đi bộ với bàn chân phẳng thì bàn chân không được vận động đúng cách".
Hall nói rằng đi bộ bằng bàn chân phẳng có thể gây thêm áp lực lên đầu gối. Một cách sửa lỗi đơn giản là bạn hãy tưởng tượng giữa lòng bàn chân và con đường bạn đi là miếng băng dính gai (velcro).
Khi bạn nhấc chân để cho người phía sau thấy tờ giấy nhớ ở lòng bàn chân, hãy tưởng tượng là bạn đang bóc dần miếng băng dính gai đó. Điều này sẽ giúp kích thích chuyển động qua từng khớp của bàn chân.
3. Giữ thẳng đầu và vai
Bạn có cúi người về phía trước khi đi bộ không? Có thể bạn đang mải mê với điện thoại hoặc cúi người, khom lưng do thói quen. Dù là lý do nào thì Hall cũng khuyên bạn hãy dừng lại.
"Cúi đầu về phía trước khi đi bộ gây nhiều áp lực lên lưng và khiến lưng bị căng cứng.
Lưng phải có thể thực hiện bốn chuyển động; gập, duỗi, xoay tại cột sống ngực và chuyển động sang hai bên hông. Nhưng khi vai bị căng cứng vì cúi đầu về phía trước, lưng sẽ mất chuyển động xoay", Hall cho biết.
Điều này ảnh hưởng đến tư thế cũng như hô hấp bằng cách hạn chế chuyển động của cơ hoành.
"Khi cột sống căng cứng, vai sẽ bắt đầu đổ về phía trước ... Điều này có nghĩa là bạn không mở vai khi đi bộ, và điều đó ảnh hưởng tới hoạt động của cơ hoành. Lẽ ra, cơ hoành có thể di chuyển khoảng 10 cm với mỗi lần thở, nhưng nó chỉ di chuyển được khoảng 4cm."
Để tránh tình trạng này, hãy tưởng tượng có một đường thẳng nối giữa vai và tai của bạn. Sau đó, khi bạn đi bộ, hãy đưa vai về phía sau và đầu ngẩng cao để tạo khoảng cách xa nhất có thể giữa hai điểm này để không bị gù lưng.
4. Vung tay
Mẹo cuối cùng là mẹo đơn giản nhất.
Với cánh tay, bạn chỉ cần chuyển động tự nhiên khi đi bộ. Bạn không cần cố vung tay, mà về mặt cơ học nó sẽ vung một cách tự nhiên, mượt mà.
(Theo Techradar)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết 4 mẹo sửa chữa những sai lầm khi đi bộ mà hầu hết mọi người mắc phải tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].