Báo Điện tử Gia đình Mới

3 sai lầm khi sử dụng điều hòa khiến trẻ ho, viêm họng, ốm mãi không khỏi

Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, việc sử dụng điều hòa để làm mát cho trẻ là cần thiết. Tuy nhiên, một số cha mẹ mắc phải sai lầm khi sử dụng điều hòa khiến con dễ bị ốm.

Nhiều cha mẹ than vãn thời tiết oi nóng nếu không sử dụng điều hòa thì nóng không chịu được, trẻ trằn trọc khó ngủ, quấy khóc, nhưng để con nằm ngủ điều hòa là trẻ lại ốm, ho, sốt, viêm họng…

Trước thói quen dùng điều hòa của nhiều gia đình hiện nay, bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang - Phó khoa Nhi, BV Thanh Nhàn cho biết, với điều kiện thời tiết nắng nóng, việc sử dụng điều hòa để làm mát là rất hợp lý, nhất là những gia đình có trẻ nhỏ. Sử dụng đúng cách điều hòa sẽ rất tốt vì nó làm mát không khí, giúp cơ thể không bị mệt mỏi, phòng ngừa bệnh tật trong mùa nắng nóng.

Điều hòa không phải là nguyên nhân gây viêm phổi cho trẻ như nhiều mẹ vẫn lầm tưởng. Bởi, có rất nhiều nguyên nhân phối hợp với nhau dẫn đến trẻ mắc các bệnh đường hô hấp, trong đó có viêm phổi.

Tuy nhiên, nếu cha mẹ sử dụng điều hòa sai cách sẽ gây hại cho trẻ. Một số sai lầm mà nhiều cha mẹ thường mắc phải khi sử dụng điều hòa khiến con dễ ốm gồm:

- Lạm dụng điều hòa: Cho trẻ sử dụng điều hòa suốt ngày, lạm dụng điều hòa sẽ gây ra tình trạng trẻ “nghiện” điều hòa, lười vận động, sức đề kháng suy giảm dẫn đến dễ mắc bệnh… Hơn nữa, việc bật điều hòa cả ngày, nhất là phòng nhỏ sẽ khiến không khí bị khô, từ đó dẫn tới khô da. Ngoài ra, sử dụng điều hòa trong thời gian quá dài (24/24 giờ) sẽ làm niêm mạc mũi của trẻ cũng bị khô, chính điều này tạo điều kiện để virus, vi khuẩn đang trú ngụ sẵn ở đó xâm nhập vào bên trong khi có tổn thương, từ đó gây nên tình trạng viêm nhiễm.

  Cha mẹ sử dụng điều hòa không đúng cách sẽ khiến trẻ dễ bị ho, sốt, viêm họng... Ảnh minh họa

Cha mẹ sử dụng điều hòa không đúng cách sẽ khiến trẻ dễ bị ho, sốt, viêm họng... Ảnh minh họa

- Để nhiệt độ quá thấp: Nhiều người có thói quen để nhiệt độ rất thấp, gió thổi mạnh, sử dụng điều hòa như vậy là chưa đúng, nhất là gia đình có trẻ nhỏ. Vì như vậy gió lạnh nhân tạo kéo dài nhiều giờ hoặc sự chênh lệch nhiệt độ nóng – lạnh giữa bên ngoài và bên trong phòng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, dẫn tới trẻ mắc các bệnh đường hô hấp.

- Lạm dụng quạt phun hơi nước: Để không khí trong phòng không bị khô khi sử dụng điều hòa, một số gia đình áp dụng biện pháp chống khô bằng cách dùng quạt phun hơi nước. Theo bác sĩ Sang, cách này có thể sử dụng nhưng không nên lạm dụng. Bởi việc phun hơi nước quá nhiều sẽ làm đọng nước, ẩm ướt, tạo điều kiện để vi khuẩn phát triển. Hơn nữa, nếu nguồn nước không đảm bảo sạch thì vi khuẩn trong nước sẽ tấn công cơ thể non nớt của trẻ. 

5 lưu ý khi cho con nằm điều hòa

Để phòng ngừa các bệnh đường hô hấp cho trẻ trong mùa nóng, các chuyên gia nhi khoa khuyến cáo, khi cho con nằm điều hòa, cha mẹ cần lưu ý:

- Điều chỉnh nhiệt độ điều hòa thích hợp: Bình thường nhiệt độ trong phòng phù hợp cho trẻ là từ 27 - 29 độ C. Nếu để nhiệt độ quá nóng trẻ sẽ rất dễ bị rôm sảy, còn nhiệt độ lạnh trẻ lại dễ viêm họng, ho, cảm…

  Cha mẹ cần khuyến khích trẻ ra ngoài chơi vào những thời điểm mát trong ngày thay vì ngồi phòng điều hòa 24/24 giờ. Ảnh minh họa

Cha mẹ cần khuyến khích trẻ ra ngoài chơi vào những thời điểm mát trong ngày thay vì ngồi phòng điều hòa 24/24 giờ. Ảnh minh họa

- Không bật điều hòa 24/24 giờ: Sử dụng điều hòa quá nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe của trẻ, nhất là hệ hô hấp. Do đó, thay vì mở điều hòa 24/24 giờ, cha mẹ cần tắt điều hòa, mở cửa để lưu chuyển không khí trong phòng. Vào những thời điểm mát trong ngày như buổi sáng hoặc chiều, cha mẹ nên cho trẻ ra ngoài chơi ở những khu vực thoáng mát để trẻ được hòa mình với thiên nhiên, giúp tăng cường sức đề kháng cho con.

- Không để điều hòa thốc thẳng vào người trẻ: Khi sử dụng điều hòa cha mẹ cần chú ý, không để điều hòa thổi thẳng vào mặt, vào đầu trẻ vì sẽ dễ làm trẻ bị cảm, bị lạnh, mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm họng, viêm mũi, viêm phế quản, viêm phổi, ho…

- Vệ sinh điều hòa và phòng ở sạch sẽ: Sau một thời gian sử dụng, tấm lọc ở điều hòa có thể bám nhiều bụi bẩn, nơi trú ngụ lý tưởng của vi khuẩn. Do đó, cần định kỳ 3 tháng/lần vệ sinh tấm lọc để vừa giúp điều hòa hoạt động tốt vừa đảm bảo sức khỏe. Đồng thời, cần vệ sinh phòng ở sạch sẽ, nhất là rèm cửa, chăn gối để loại bỏ bui bẩn, nấm mốc.

- Không để trẻ bị thay đổi nhiệt độ đột ngột: Sự chênh lệch nhiệt độ đột ngột giữa ngoài trời và trong phòng điều hòa sẽ làm trẻ dễ bị sốc nhiệt, sốt, ho, cảm… Do đó, khi muốn cho con từ phòng điều hòa ra ngoài thì hãy mở cửa trước đó 3 phút, để trẻ đứng chơi gần cửa cho quen không khí nóng bên ngoài. Còn khi trẻ đi chơi bên ngoài về nhà, cha mẹ cần lau khô mồ hôi cho con, để trẻ ngồi ở nhiệt độ phòng bình thường khoảng 3 – 5 phút rồi hãy cho trẻ ngồi điều hòa. 

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO