1. Tăng tiền lương nhận được mỗi tháng
Theo quy định tại Điều 90 Bộ luật Lao động năm 2019, tiền lương được trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Trong đó, mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
Chính vì vậy, khi mức lương tối thiểu vùng tăng vào ngày 01/7/2022 thì người lao động cũng sẽ được nhận mức lương ít nhất bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu được công bố theo Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP.
Cụ thể, từ ngày 1/7, lương tối thiểu Vùng I là 4,68 triệu đồng/tháng; Vùng II là 4,16 triệu đồng/tháng; Vùng III là 3,64 triệu đồng/tháng; Vùng IV là 3,25 triệu đồng/tháng.
2. Tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa
Về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, tại Điều 50 Luật Việc làm 2013 đã nêu rõ: Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Theo quy định này, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa mà người lao động được nhận hằng tháng sẽ không vượt quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng.
Từ ngày 01/7/2022, khi lương tối thiểu vùng tăng, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa của người lao động cũng được điều chỉnh tăng.
3. Tăng tiền lương ngừng việc
Khi ngừng việc, người lao động sẽ được nhận một khoản tiền gọi là lương ngừng việc. Theo Điều 99 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tiền lương ngừng việc như sau:
- Nếu do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;
- Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc thì được trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu;
- Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:
+ Nếu ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;
+ Nếu phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Do đó, khi mức lương tối thiểu vùng tăng thì mức lương ngừng việc của người lao động trong trường hợp do lỗi của người lao động khác hoặc do sự cố điện, nước, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm… cũng tăng theo.
4. Tăng tiền lương tối thiểu khi điều chuyển công việc
Người lao động khi được chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động được trả lương theo công việc mới (theo khoản 3 Điều 29 Bộ luật Lao động 2019).
Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Theo quy định trên thì khi người lao động chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động thì sẽ được trả theo lương mới và không thấp hơn mức lương tối thiểu. Do đó, khi mức lương tối thiểu tăng thêm theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP thì mức lương tối thiểu khi điều chuyển công việc của người lao động cũng được tăng thêm.
Bạn đang xem bài viết 4 lợi ích mà người lao động được hưởng khi lương tối thiểu vùng tăng tại chuyên mục Đáng chú ý của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].