Báo Điện tử Gia đình Mới

4 chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 3/2023

Tháng 3 tới sẽ có thêm rất nhiều quy định mới được đưa vào áp dụng. Đáng chú ý phải kể đến việc cấp hộ chiếu gắn chíp, chính sách tiền lương của loạt viên chức một số ngành, những thay đổi nhằm siết chặt quản lý đối với tiền công đức,…

Từ tháng 3/2023, triển khai cấp hộ chiếu gắn chip.

Từ tháng 3/2023, triển khai cấp hộ chiếu gắn chip.

Triển khai cấp hộ chiếu gắn chip

Một trong những chính sách tháng 3 quan trọng là triển khai cấp hộ chiếu gắn chip. Từ ngày 01/3/2023, Bộ Công an sẽ triển khai cấp Hộ chiếu phổ thông có gắn chip điện tử cho công dân Việt Nam.

Hình thức của mẫu hộ chiếu này về cơ bản vẫn giống với hộ chiếu không gắn chip đang được cấp hiện nay, chỉ khác ở là có biểu tượng con chíp ngay ở mặt ngoài.

Hộ chiếu phổ thông gắn chip có tính bảo mật cao, khó sao chép, lấy cắp được những thông tin lưu trữ trong con chip, tránh tình trạng bị làm giả hộ chiếu. Trong chip cũng tích hợp nhiều thông tin như: vân tay, mống mắt, nhóm máu…

Với mẫu hộ chiếu gắn chip, người dân có thể làm thủ tục xuất nhập cảnh nhanh hơn qua cửa kiểm soát tự động.

Hộ chiếu phổ thông không gắn chíp điện tử và hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử được sử dụng song song. Hộ chiếu phổ thông không gắn chíp điện tử được sử dụng đến khi hết thời hạn của hộ chiếu, không bắt buộc phải đổi sang hộ chiếu có gắn chíp điện tử.

Bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đối với chấp hành viên

Thông tư số 10/2023/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 16/3, không còn các tiêu chuẩn về ngoại ngữ, tin học đối với chấp hành viên.

Đối với chấp hành viên sơ cấp, trung cấp phải có đủ tiêu chuẩn tại Điều 18 Luật Thi hành án dân sự và Điều 4 Thông tư số 10/2023/TT-BQP; có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và nghiệp vụ thi hành án dân sự theo nội dung, chương trình của Bộ Tư pháp.

Chấp hành viên cao cấp, ngoài tiêu chuẩn theo quy định trên phải có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị hoặc cao cấp lý luận chính trị - hành chính hoặc cử nhân chính trị hoặc có giấy xác nhận trình độ lý luận tương đương cao cấp lý luận chính trị theo quy định.

Người lao động được tăng mức bồi dưỡng bằng hiện vật

Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có hiệu lực 1/3, quy định việc bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố độc hại.

Cụ thể, mức bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền như sau: Mức 1: 13.000 đồng (tăng 3.000 đồng); Mức 2: 20.000 đồng (tăng 5.000 đồng); Mức 3: 26.000 đồng (tăng 6.000 đồng); Mức 4: 32.000 đồng (tăng 7.000 đồng).

Đối với người lao động đủ điều kiện hưởng bồi dưỡng nếu làm việc từ 50% thời giờ làm việc bình thường trở lên của ngày làm việc thì được hưởng cả định suất bồi dưỡng; nếu làm dưới 50% thời giờ làm việc bình thường của ngày làm việc thì được hưởng nửa định suất bồi dưỡng.

Trong trường hợp người lao động làm thêm giờ, định suất bồi dưỡng bằng hiện vật được tăng lên tương ứng với số giờ làm thêm theo nguyên tắc trên.

Việc tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật phải thực hiện trong ca, ngày làm việc, bảo đảm thuận tiện, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, hiện vật bồi dưỡng không được trả bằng tiền, không được trả vào lương (bao gồm cả việc đưa vào đơn giá tiền lương).

Quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội

Thông tư số 04/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, có hiệu lực thi hành từ ngày 19/3.

Quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội.

Quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội.

Thông tư quy định việc mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử.

Đối với quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng hoặc sở hữu tư nhân thì người đại diện hoặc chủ sở hữu cơ sở tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan.

V.Linh

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính