Theo khuyến cáo của Hội Tiết chế Dinh dưỡng Việt Nam, giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ là giai đoạn tốc độ phát triển cân nặng của thai nhi nhanh nhất, vì vậy chế độ dinh dưỡng cho thai phụ cần đảm bảo đầy đủ, đa dạng đáp ứng nhu cầu của thai nhi.
Năng lượng khẩu phần tăng thêm 450 kcal/ ngày (tương đương 2 miệng bát cơm và thức ăn hợp lý) để cân nặng của mẹ tăng khoảng 5 - 6 kg trong 3 tháng này.
Về tính cân đối của khẩu phần cần đảm bảo số lượng chất béo và chất lượng chất béo (cân đối giữa chất béo động vật và thực vật, đủ các acid béo không no cần thiết). Cần ăn đa dạng các loại thực phẩm để bổ sung các chất dinh dưỡng cho bà mẹ và thai nhi.
Lượng lương thực, thực phẩm trung bình một ngày khuyến cáo cho phụ nữ có thai 3 tháng cuối như sau:
- Ngũ cốc: Tăng thêm 1,5 đơn vị so với 3 tháng đầu, sử dụng 13,5 đơn vị ngũ cốc/ ngày. Đối với những thai phụ bị rối loạn dung nạp đường huyết hoặc đái tháo đường thai kỳ nên thay thế gạo trắng bằng gạo lứt hoặc gạo lật nảy mầm để hạn chế tăng đường máu sau ăn. (1 đơn vị ăn = 20g glucid)
- Thịt/ thủy sản/ trứng/ đậu đỗ: Tăng thêm 3 đơn vị so với 3 tháng đầu, sử dụng 8 đơn vị thực phẩm cung cấp chất đạm/ ngày. (1 đơn vị = 7g protein)
- Rau lá, rau củ: Tăng thêm 1 đơn vị so với 3 tháng đầu, sử dụng 4 đơn vị/ ngày. Đối với những thai phụ bị rối loạn dung nạp đường huyết hoặc đái tháo đường thai kỳ nên tăng sử dụng rau lá, rau củ. (1 đơn vị ăn = 80g)
- Quả chín: Tăng thêm 1 đơn vị so với 3 tháng đầu, sử dụng 4 đơn vị/ ngày. Đối với những thai phụ bị rối loạn dung nạp đường huyết hoặc đái tháo đường thai kỳ nên sử dụng quả chín ít ngọt như bưởi, thanh long, ổi… (1 đơn vị ăn = 80g)
- Sữa và chế phẩm sữa: Tăng thêm 3 đơn vị so với 3 tháng đầu, sử dụng 6 đơn vị/ ngày. Nên sử dụng phối hợp cả 3 sản phẩm sữa. (1 đơn vị ăn = 100mg canxi)
Đối với những thai phụ bị rối loạn dung nạp đường huyết hoặc đái tháo đường thai kỳ nên sử dụng sữa và chế phẩm sữa không đường hoặc sử dụng sản phẩm sữa đặc hiệu cho bệnh nhân đái tháo đường theo sự chỉ dẫn của bác sĩ dinh dưỡng.
- Dầu mỡ: Tăng thêm 1 đơn vị so với 3 tháng đầu, sử dụng 6 đơn vị/ngày. (1 đơn vị ăn = 5ml dầu ăn = 5g mỡ lợn)
- Đường: Không thay đổi so với 3 tháng đầu và 3 tháng giữa. Sử dụng dưới 5 đơn vị/ ngày. Đối với những thai phụ bị rối loạn dung nạp đường huyết hoặc đái tháo đường thai kỳ cần hạn chế sử dụng đường. (5 đơn vị đường 25g đường)
- Muối: Không thay đổi so với 3 tháng đầu và 3 tháng giữa. Sử dụng dưới 5g muối/ngày.
- Nước: Tăng thêm 2 đơn vị so với 3 tháng đầu. Sử dụng 10 đơn vị/ ngày. Mỗi đơn vị tương đương với 200 ml nước.
- Vi chất: Thai phụ tiếp tục uống bổ sung viên sắt/acid folic hoặc viên đa vi chất theo chỉ định.
An AnBạn đang xem bài viết 3 tháng cuối thai kỳ nên ăn gì để hai mẹ con khỏe mạnh trong mùa COVID-19? tại chuyên mục Tư vấn chuyên gia của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].