Dưới đây là 3 lý do vì sao nhân viên không nên về muộn.
Vì sao nhân viên không nên về muộn?
Trừ trường hợp lãnh đạo yêu cầu bạn tăng ca để hoàn thành một dự án đặc biệt, nếu không, bạn nên cân nhắc lại việc làm thêm giờ và về muộn của mình.
Trên thực tế, sếp của bạn sẽ không chú ý đến phần việc làm thêm mà bạn đã bỏ sức ra. Ngay cả khi sếp có chú ý, thì họ cũng sẽ không cho rằng tăng thời gian làm việc tức là tăng hiệu quả công việc. Và thực tế đúng là hai điều này cũng không có quan hệ với nhau.
Có khá nhiều nghiên cứu lý giải vì sao làm thêm giờ không có tác động tích cực như chúng ta vẫn thường nghĩ.
Thực tế, việc tăng ca còn có tác động tiêu cực cho sức khỏe, hiệu quả công việc và quan hệ của bạn với đồng nghiệp.
1. Làm thêm giờ không tốt cho sức khỏe thể chất và tinh thần
Năm trước, tỷ phú Elon Musk cho biết đã giảm tải khối lượng công việc một chút - từ 120 giờ mỗi tuần xuống còn 80-90 giờ mỗi tuần. Điều này xảy ra trong khoảng cùng thời gian tỷ phú thường có những status giận dữ, hung hăng trên Twitter.
Khối lượng công việc lớn không tránh khỏi gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Các dấu hiệu về thể chất thường dễ nhận thấy ngay như mệt mỏi, thiếu năng lượng, mất ngủ, khó tập trung, chán ăn. Trong những trường hợp nghiêm trọng, tăng ca còn có thể dẫn đến đột tử.
Tác động về mặt tâm lý của việc làm thêm giờ có thể bao gồm mệt mỏi, giận dữ, trầm cảm.
Ở Nhật Bản, tình trạng làm việc tăng ca quá sức là một hiện tượng xã hội đáng lo ngại trong nhiều thập kỷ. Để bày tỏ sự cống hiến và trung thành với chủ, người làm thuê ở Nhật phải làm việc tới 80 giờ một tuần.
Những vụ tử vong do làm việc quá sức là hiện tượng phổ biến ở Nhật Bản, được gọi là Karoshi. Khái niệm này đã được đưa vào từ điển Wikipedia.
2. Tăng ca thực ra làm giảm hiệu quả công việc
Làm thêm giờ nghĩa là gì? Khái niệm này có thể khác biệt theo mỗi người, nhưng theo quan điểm của tác giả, đó là ngưỡng mà căng thẳng nơi làm việc lan đến cuộc sống cá nhân, ảnh hưởng khả năng làm việc ở ngưỡng thỏa đáng.
Với một số người, ngưỡng thời gian làm việc thỏa đáng có thể là 50 giờ/tuần. Với một số khác, thời gian này có thể là 32 giờ/ tuần.
Tuy nhiên khi xét đến yếu tố hiệu quả công việc, thời gian làm việc lại không phải quan trọng. Một nghiên cứu năm 2014 phát hiện ra rằng năng suất lao động của nhân viên sẽ giảm đáng kể nếu làm quá 50 giờ/tuần, và giảm sâu nếu làm quá 55 giờ/tuần.
Với người làm tới 70 giờ/tuần, năng suất lao động trong 15 giờ tăng thêm gần như không hơn người làm 55 giờ.
Điều đó có nghĩa là vài tiếng đồng hồ bạn ở một mình trong văn phòng sau khi mọi việc đã về với gia đình không nhất thiết giúp công việc hiệu quả hơn. Thậm chí về lâu về dài, nó có thể gây tác dụng ngược.
Khi chúng ta làm việc quá sức, chúng ta thường có xu hướng ngủ ít, ăn uống kém hơn, lười tập thể dục, gây ảnh hưởng xấu đến năng suất công việc.
3. Làm thêm giờ gây mất tình cảm giữa đồng nghiệp
Khi bạn ở lại làm muộn, bạn không chỉ đang gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của bản thân, mà còn khiến đồng nghiệp khó chịu.
Hãy xem ví dụ dưới đây.
Cuối ngày, các nhân viên bắt đầu chuẩn bị ra về. Đầu tiên là Hưng, luôn thu dọn đồ lúc khoảng 4h45. Sau đó là Giang, người luôn ra về chính xác lúc 5 giờ chiều. Rồi đến Việt, anh ta thích ngồi dọn dẹp email cuối ngày trước khi rời đi lúc 5h15. Trong khi đó, Linh, một nhân viên mới đến, khăng khăng ở lại đến 7 giờ tối.
Ai cũng khó chịu với Linh.
Vì sao ư? Bởi vì Linh đã vô tình tạo ra không khí thi đua xem nhân viên nào ở lại muộn nhất, và cô ấy thắng. Điều đó khiến cả team không thể rời đi ngay sau 8 giờ làm việc hoặc khi hoàn thành công việc nữa.
Thói quen ở lại muộn của Linh tạo áp lực khiến những người còn lại trong team cũng phải ở lại muộn, dù có thể hiệu quả công việc của Linh không tương ứng với thời gian cô ấy làm thêm giờ.
Nếu đã từng trải qua tình huống như vậy, chắc hẳn bạn sẽ hiểu. Ngay cả khi bạn có thể tan làm đúng giờ như bình thường, bạn vẫn sẽ có một chút cảm giác lo âu, sợ mình có vẻ lười biếng, thiếu nhiệt huyết với công việc khi làm như vậy. Điều này có thể ảnh hưởng hiệu quả của nhóm khi hợp tác.
Khi đó, một lãnh đạo tốt sẽ nhận ra điều này và hoặc là chấm dứt tình trạng trên, hoặc là khẳng định lại với nhân viên họ có thể rời đi bất cứ khi nào hết giờ làm việc.
(Theo Jostle)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết 3 lý do vì sao sếp không thích nhân viên về muộn tại chuyên mục Kỹ năng sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].