Dưới đây là 10 dấu hiệu cho thấy một người chỉ là sếp chứ không phải nhà lãnh đạo theo tạp chí Forbes.
1. Sếp có thể có ý tưởng hay, nhưng sẽ không trao đổi với cấp dưới. Họ áp đặt kế hoạch mới lên nhân viên thay vì cùng cả nhóm làm việc để cho ra một kế hoạch tốt hơn thế.
2. Sếp trao đổi bằng văn bản ngay cả với những chủ đề cần có sự thảo luận một đối một hoặc thảo luận nhóm.
3. Sếp chỉ nghĩ xem hoàn thành công việc như thế nào, nhưng không nghĩ đến việc phát triển cho nhân viên hoặc xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Họ không nhận ra được văn hóa doanh nghiệp là gì, chưa kể đến hiểu được nó quan trọng thế nào.
4. Họ cảm thấy việc ra lệnh cho người khác dễ dàng hơn là hỏi "Cậu nghĩ chúng ta nên làm gì?"
5. Nếu bạn hỏi một sếp - nhưng không phải nhà lãnh đạo - về một nhân viên cụ thể đang làm gì, họ sẽ nói "Cậu A đã đạt chỉ tiêu của tháng, tôi nghĩ cậu ta đang làm tốt."
Họ không biết nhân viên của mình đang làm như thế nào. Họ không quan tâm đến nhu cầu, cảm xúc, thách thức, thành tựu và mục tiêu của nhân viên.
6. Họ đưa ra những hướng dẫn hoặc mệnh lệnh, nhưng họ không hỏi nhân viên "Cậu nghĩ chúng ta có thể đạt mục tiêu không?". Họ khiến các thành viên trong team của mình khó có thể chia sẻ ý kiến, quan điểm.
7. Sếp không nhận thấy tầm quan trọng của việc công nhận những cống hiến, đóng góp mà nhân viên tạo ra. Họ nghĩ "Làm tốt đấy, nhưng tôi sẽ không cảm ơn người khác chỉ vì họ làm nhiệm vụ của mình."
8. Họ chỉ biết bổn phận của nhân viên đối với họ và với doanh nghiệp. Họ không biết bổn phận của mình với nhân viên là gì.
9. Họ phớt lờ hoặc coi thường việc gắn kết với nhân viên, chẳng hạn quan tâm cấp dưới trong các cuộc họp về những vấn đề như những trở ngại công việc, kỳ vọng của nhân viên, mối quan hệ giữa các thành viên, áp lực của team,...
Ngay cả khi có khủng hoảng xảy ra, chẳng hạn một nhân viên chủ chốt bỗng nghỉ việc, rời công ty, thì sếp - nhưng không phải nhà lãnh đạo - sẽ nói: "Các cậu hãy xử lý đi. Chúng ta không cần nói về chuyện đó."
10. Sếp không có tầm nhìn cho tổ chức hoặc cho bản thân. Một người không có tầm nhìn làm sao có thể trở thành nhà lãnh đạo?
Có không ít người ở vị trí sếp nhưng không phải một lãnh đạo giỏi. Tuy nhiên nhân viên cũng không thể đổ lỗi, chỉ trích họ vì đã ở vị trí ấy.
Nhưng tất cả nhân viên đều có quyền lựa chọn tiếp tục làm việc cho một người ở vị trí sếp nhưng không biết lãnh đạo, hoặc là tìm kiếm một lựa chọn tốt hơn.
(Theo Forbes)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết 10 dấu hiệu bạn chỉ là sếp chứ chưa phải nhà lãnh đạo tại chuyên mục Kỹ năng sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].