Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

3 chính sách mới quan trọng ảnh hưởng đến đời sống người dân có hiệu lực trong tháng 8/2022

Từ tháng 8/2022, có nhiều chính sách mới ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân bắt đầu có hiệu lực.

1. Hộ nghèo được hỗ trợ 40 triệu đồng khi xây nhà mới

Từ 15/8/2022, chính sách mới liên quan đến việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo được chính thức áp dụng theo quy định tại Thông tư 01/2022/TT-BXD của Bộ Xây dựng.

Theo đó, Điều 7 Thông tư này quy định việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 bằng hình thức xây mới hoặc sửa chữa nhà ở.

Cụ thể, hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở ký cam kết và đăng ký với UBND cấp xã, đề xuất chọn mẫu nhà, phương thức xây mới hoặc sửa chữa. Định mức trong trường hợp này là 40 triệu đồng/hộ/nhà xây mới; 20 triệu đồng/hộ/sửa chữa nhà từ nguồn ngân sách Trung ương.

  Từ 15/8, hộ nghèo được hỗ trợ đến 40 triệu đồng khi xây nhà mới. Ảnh minh họa

Từ 15/8, hộ nghèo được hỗ trợ đến 40 triệu đồng khi xây nhà mới. Ảnh minh họa

Tiêu chí để hộ nghèo được hỗ trợ được nêu chi tiết tại Điều 3 Thông tư 01/2022 gồm:

- Chưa có nhà hoặc có nhà nhưng nhà ở không bền chắc khi có ít nhất hai trong ba kết cấu chính là nền - móng, khung - tường, mái làm bằng vật liệu không bền chắc.

- Diện tích nhà ở bình quân đầu người nhỏ hơn 8m2.

- Chưa được hỗ trợ nhà ở từ các chính sách khác.

Tại Điều 5 Thông tư này cũng quy định, thứ tự hộ nghèo được ưu tiên hỗ trợ nhà ở như sau: Dân tộc thiểu số; có thành viên là người có công; có thành viên là đối tượng được bảo trợ xã hội; có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật; ở tại vùng thường xuyên xảy ra thiên tai…

2. SIM số mới phải xác thực với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư

Thuê bao di động mới phát sinh từ ngày 01/8/2022 phải thực hiện xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giải quyết tình trạng sử dụng SIM rác.

Nội dung này được đề cập tại Thông báo 174/TB-VPCP ngày 15/6/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về kết nối thông tin thuê bao (trừ thông tin mật) với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an, Bộ TT&TT, các doanh nghiệp viễn thông di động thực hiện một số nội dung sau:

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT và các doanh nghiệp viễn thông thống nhất quy trình thực hiện cấp số thuê bao mới, thực hiện rà soát cơ sở pháp lý và lựa chọn các giải pháp, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, phương án tổ chức thực hiện đối soát, xác thực thông tin thuê bao đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp viễn thông và các ngành, nghề kinh doanh có liên quan sử dụng số điện thoại di động.

Bộ Thông tin Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động bảo đảm hạ tầng công nghệ thông tin, an toàn thông tin thực hiện kết nối cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao tập trung của doanh nghiệp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Các doanh nghiệp viễn thông di động khẩn trương phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông kết nối thông tin thuê bao (trừ thông tin mật) với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tiến hành đối soát ngay dữ liệu SIM đang hoạt động đảm bảo xác thực khớp đúng giữa 3 thành phần:

- Thông tin của thuê bao đăng ký tại các doanh nghiệp viễn thông

- Thông tin cá nhân của thuê bao trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

- Thông tin người đang sở hữu/sử dụng/nắm giữ SIM thực tế, hoàn thành trước ngày 30/7/2022

Xây dựng kế hoạch, triển khai đối soát, cập nhật thông tin đối với số thuê bao đã được Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư xác định là có thông tin chưa chính xác theo quy định, bảo đảm hoàn thành trước ngày 30/9/2022;

Đối với số thuê bao mới phát sinh từ ngày 01/8/2022 phải thực hiện xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

3. Rút tiền tiết kiệm trước thời hạn vẫn được hưởng lãi cao

Ngân hàng Nhà nước mới ban hành Thông tư 04/2022 quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo đó, khách hàng rút trước hạn một phần tiền gửi có kỳ hạn thì chỉ phần rút trước hạn này có lãi suất không kỳ hạn, phần tiền gửi còn lại được ngân hàng giữ nguyên mức lãi suất đang áp dụng.

Trong khi đó, theo quy định hiện hành, khách không được rút một phần tiền gửi mà phải rút toàn bộ sổ tiết kiệm và hưởng lãi suất tối đa bằng lãi không kỳ hạn.

Quy định mới không những hỗ trợ khách hàng mà còn tạo điều kiện cho các ngân hàng phát triển các sản phẩm huy động vốn đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh thị trường tiền tệ hiện nay.

Thông tư 04/2022 của Ngân hàng Nhà nước sẽ có hiệu lực từ 1/8, thay thế Thông tư 04/2011.

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO