Matthieu Ricard không phải là người dùng tâm linh để nổi tiếng. Thực tế, ông học cách chấp nhận sự nổi tiếng được ban tặng cho mình và coi đó là một cơ hội để làm việc thiện.
Ông Ricard, 71 tuổi là một nhà sư Tây Tạng người Pháp, đến sống ở Himalaya những năm tuổi 20 và trở thành nhà sư vào năm 30 tuổi.
Ông được giới truyền thông chú ý khi cùng cha mình, triết gia nổi tiếng Jean-François viết sách vào năm 1997.
Kể từ đó, ông đã có 2 bài phát biểu TED gây được tiếng vang lớn và viết nhiều cuốn sách bán chạy nhất.
Số tiền kiếm được từ các dự án, ông đều dành cho quỹ từ thiện Karuna-Shechen của mình để cung cấp dịch vụ y tế và giáo dục cho những người dân nghèo ở Ấn Độ, Nepal và Tây Tạng.
Giới truyền thông thích gọi ông là ‘người đàn ông hạnh phúc nhất’ sau khi một nghiên cứu của Đại học Wisconsin năm 2000 đo được sóng gamma trong não ông mạnh nhất thế giới.
Ông cũng là bạn tâm giao của Đức Đạt Lai Lạt Ma kiêm phiên dịch tiếng Pháp cho Ngài.
Mới đây, ông Ricard đã xuất bản cuốn sách mới nhất, ‘Beyond the Self’ (tạm dịch: Vượt ra bản ngã), cũng như chia sẻ một số bài học cuộc sống ý nghĩa mà ai cũng có thể đồng cảm.
Có 2 kiểu thành công
Hiện nay, dù phần lớn thời gian ông Ricard sống tách biệt với bên ngoài nhưng thời thơ ấu, sinh ra trong gia đình có cha là nhà văn, triết gia và họa sỹ nổi tiếng, ông đã được tiếp xúc với rất nhiều nhân vật danh tiếng như nhà soạn nhạc Igor Stravinsky, nhiếp ảnh gia Henri Cartier-Bresson, v.v.
Từ khi còn nhỏ, ông đã nhận ra những biểu hiện bên ngoài của thành công – tầm ảnh hưởng, sự tôn trọng, tiền bạc đều không đi kèm với hạnh phúc.
Khi dành cuộc đời theo Đức Phật, ông nhận ra hạnh phúc là một kỹ năng, là cách nhìn nhận thế giới được rèn giũa sau những thăng trầm và không hề bị trói buộc trong những biểu hiện thành công trên.
Ricard chia sẻ, cá nhân ông coi trọng loại thành công mà ông gọi là ‘phát triển bản thân’, có nghĩa đạt được khát vọng sâu thẳm nhất của mình.
Và ‘khát vọng sâu thẳm nhất’ ở đây không phải chỉ là khoản tiền lương cao chót vót hay một ngôi nhà sang trọng.
Thành công ở đây được định nghĩa bởi việc thực hiện ước mơ của bản thân, với mục đích mang lại ảnh hưởng tích cực lên người khác.
‘Hãy thay đổi bản thân để giúp ích cho người khác’ - ông nói.
Đôi khi lựa chọn hợp lý nhất là tin vào trực giác
‘Tin vào trực giác’, đó có vẻ là một lời khuyên thiếu khôn ngoan và thận trọng. Nhưng một trong những câu chuyện của Ricard sẽ khiến bạn nhận ra, có những lúc bạn cần tin trực giác.
Hồi còn trẻ, ông Ricard học di truyền học phân tử của một nhà khoa học đạt giải Nobel ở Viện Pasteur danh giá.
Ông thường tạm dừng việc học để theo đuổi niềm đam mê Phật giáo và đến Darjeeling, Ấn Độ để theo học các vị cao tăng.
Cuối cùng, ông cũng nhận được bằng Tiến sỹ nhưng khi đến lúc phải xác định con đường đi cho mình, ông không cảm thấy có gì khó khăn hay tiếc nuối.
Ông tâm sự về lựa chọn trở thành nhà sư của mình: ‘Quyết định đó không khó khăn chút nào. Tôi không hề nuối tiếc.
Đôi khi bạn không cần phải rung hay bẻ cành để hái quả. Bạn chỉ cần chạm nhẹ và nó đã rơi vào tay bạn’.
Ông đã dành nhiều thời gian đi đi về về giữa Ấn Độ và Pháp để tìm ra điều gì phù hợp nhất với mình. Khi đến thời điểm, ông không suy tính thiệt hơn từng lựa chọn mà chỉ lắng nghe trái tim mách bảo và hành động dứt khoát.
Ricard cho biết, kể từ đó, ông đưa ra mọi quyết định quan trọng trong đời theo cách ấy.
Hãy chấp nhận những gì bạn không thể thay đổi
Ông Ricard viết cuốn sách ‘The Monk and the Philosopher’ (Tạm dịch: Nhà sư và triết gia) với mục đích dành nhiều thời gian bên người cha đang già yếu của mình.
Nhưng sau khi nhận được nhiều sự chú ý, ông đã học tập Đức Đạt Lai Lạt Ma, dùng sự nổi tiếng của mình để truyền đi những thông điệp về hạnh phúc và thành công.
Sau đó, vào năm 2007, khi tờ Independent đưa ra kết quả của nghiên cứu về thiền tập mà Ricard tham gia, họ gọi ông là ‘người đàn ông hạnh phúc nhất thế giới’.
Dù ông có phản đối danh hiệu này như thế nào, nó vẫn xuất hiện liên tục trên báo chí thế giới.
Thầy của ông Ricard nói với ông: ‘Đừng bận tâm đến nó. Hãy dùng nó vì mục đích tốt đẹp.’
Nghĩa là, nếu được gọi là ‘người hạnh phúc nhất thế giới’, hãy biến nó thành cơ hội để dạy mọi người cách để hạnh phúc hơn.
Và đó là điều ông đang làm.
Quỳnh AnhBạn đang xem bài viết 3 bài học giá trị từ nhà sư Tây Tạng được mệnh danh ‘người hạnh phúc nhất thế giới’ tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].