Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

15 “chiêu trò” của siêu thị khiến bạn không thể không mở hầu bao

Có rất nhiều quy tắc “ngầm” mà các siêu thị thường sử dụng để “dụ dỗ” bạn mua nhiều hơn. Bạn đã biết 15 “chiêu trò” phổ biến nhất này chưa?

st12

 Chỉ định vào "ngó nghiêng" một lát nhưng lại trở ra với một lố đồ lỉnh kỉnh, tại sao vậy nhỉ?

Đa số chúng ta đều có thói quen đến siêu thị để mua những món đồ tiện lợi cho gia đình bởi mức giá có thể rẻ hơn đôi chút. Tuy nhiên, tưởng rẻ mà không rẻ, nếu không tỉnh táo, bạn sẽ rất có thể sẽ vướng vào những “cái bẫy” sau đây.

1. Các chiêu khuyến mãi “lừa tình”

st8

 

Thi thoảng bạn sẽ thấy các quảng cáo khuyến mãi một lố đồ nào đó với giá rẻ, có thể là 10.000, 20.000, 50.000...

Những quảng cáo như thế thường khiến ta có cảm giác rằng mình đã “vớ bở” khi mua, nhưng đôi khi, những món đồ mua theo lố không hề rẻ hơn mua lẻ. Đó chỉ là cách mà siêu thị “đánh lừa” để bạn mua nhiều hơn mà thôi.

Một kiểu khuyến mãi khác là “Mua 1 chiếc, giảm 50% giá chiếc thứ hai”, con số 50% khiến bạn cảm giác bạn được giảm giá nhiều hơn, trong khi thực tế là bạn chỉ được giảm 25% cho mỗi món đồ. Và rất có thể bạn chỉ cần đến một món đầu tiên mà thôi.

2. Xe đẩy hàng – “thủ phạm” khiến bạn mua nhiều hơn

st9

 

Chiếc xe đẩy hàng vẫn còn trống trải khiến bạn đột nhiên cảm thấy "thiêu thiếu"

Một thí nghiệm được thực hiện bởi chuyên gia marketing Martin Linstrom đã chỉ ra rằng – khi các xe đẩy hàng trong siêu thị tăng kích cỡ gấp đôi thì doanh thu lại tăng đến 40%.

Trong hệ thống siêu thị Whole Foods nổi tiếng của Mỹ, chỉ trong vòng 2 năm các xe đẩy hàng đã được tăng gần gấp đôi kích cỡ.

Nhưng việc bạn dễ có cảm giác muốn mua thêm đồ khi dùng xe đẩy hàng có thể được “chữa cháy” bằng việc dùng các giỏ xách tay hay không? Câu trả lời là chưa chắc.

Một nghiên cứu của Journal of Marketing Research cho thấy những khách hàng sử dụng giỏ cầm tay khi đi siêu thị thường mua nhiều các đồ không tốt cho sức khỏe và ít giá trị sử dụng hơn.

Điều này không liên quan đến kích cỡ của giỏ, mà nằm ở cảm giác khi cầm. Các nhà nghiên cứu nhận ra rằng cảm giác của cơ tay khi cầm giỏ kích thích sự thỏa mãn nhất thời trong não bộ và khiến ta muốn mua những món đồ tạo cảm giác tương tự, ví dụ như một thanh kẹo chẳng hạn.

3. Các món đồ ở quầy thu ngân

st1

 

Bạn có bao giờ tự hỏi vì sao ở gần một chỗ “chẳng liên quan” như quầy thu ngân lại hay có những món lặt vặt như socola, kẹo cao su... không?

Rất có thể trong lúc chờ thanh toán, bạn hoặc con của bạn có thể tình cờ liếc thấy một thứ “hay hay” nào đó (mà lúc khác bạn sẽ chẳng bao giờ mua) và a-lê-hấp, nó đã gọn gàng nằm trong giỏ hàng của bạn vào phút chót!

4. Đồ ngang tầm mắt, đồ sang đồ đắt!

st13

 

Một số siêu thị áp dụng “chiêu bài” truyền thống – các món đồ được đặt ngang tầm mắt người lớn thường là các đồ của thương hiệu mà siêu thị muốn quảng bá, hoặc là đồ có giá trị cao hơn.

Tương tự, những món đồ được để ngang tầm mắt trẻ em thương là bánh kẹo hay những món bắt mắt sẽ khiến con bạn níu tay bạn “Mua cho con cái này với!”.

Đừng hỏi vì sao mà bạn luôn ra khỏi siêu thị với ít nhất một hai thứ không hề có trong danh sách ban đầu.

5. Lối vào quầy thu ngân hẹp hơn

st14

 

Các khảo sát chỉ ra rằng hơn 60% người mua chỉ kiểm tra lại hàng ngay trước lúc thanh toán. Và do đó, các siêu thị ngày càng làm các lối ra vào quầy thu ngân hẹp hơn, khiến khách hàng khó để trả lại đồ hơn, đặc biệt là nếu còn một hàng dài người ở phía sau.

Kết quả là nếu giá trị món đồ không lớn lắm, chúng ta thường tặc lưỡi mua luôn.

Giải pháp có lẽ là dừng lại một chút để kiểm tra một lượt những món đồ sắp thanh toán trước khi bước vào quầy thu ngân – “cửa ải” cám dỗ cuối cùng.

6. Những đồ thiết yếu được đặt phía cuối siêu thị

st15

 

Các đồ cần dùng nhất - thường cũng là lý do chúng ta đặt chân tới siêu thị - như dầu ăn, nước chấm... thường được đặt ở góc khuất hoặc các dãy phía sau.

Và trước khi đến được với chúng thì chúng ta đã phải vượt qua muôn trùng “cám dỗ” khác trước mặt.

7. Thẻ tích điểm

st16

 

Đương nhiên rồi, có ai mà không hào hứng khi nghĩ đến việc sẽ có thêm món quà nào đó sau một thời gian mua hàng dài dài ở siêu thị kia chứ?

Nhiều siêu thị sử dụng thẻ tích điểm để có được sự trung thành, tạo nên thói quen của khách hàng và đôi khi là theo dõi xu hướng tiêu dùng nữa.

Trong khi đó, thẻ tích điểm không thực sự khiến chúng ta tiết kiệm được bao nhiêu, trừ khi chúng ta mua nhiều, rất nhiều của siêu thị, và rất có thể là nhiều hơn mức cần thiết.

8. Mua bao nhiêu, dùng bấy nhiêu

st17

 

Bạn sẽ mua sữa, trứng... hay bất cứ thứ gì khác theo lố, vì đơn giản giá của chúng rẻ hơn đôi chút. Nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc này chỉ khiến bạn mua nhiều hơn mức cần thiết của mình, và khi mua nhiều hơn, bạn sẽ tiêu dùng nhiều hơn.

Lâu ngày nó sẽ trở thành một thói quen và bạn mặc định rằng “phải mua từng ấy mới đủ”.

Không những thế, cảm giác mua được rẻ hơn ấy sẽ vô tình khiến bạn dùng hết nhanh hơn và cũng mau chóng trở lại siêu thị hơn.

Khi chiêu bài truyền thống này “song kiếm hợp bích” với những đợt khuyến mãi “mua 2 lố tặng 1 sản phẩm” thì bạn càng dễ rơi vào “cạm bẫy” này hơn nữa.

9. Mỹ phẩm và quần áo được đặt ở khu riêng biệt

st19

 

Nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng “chiêu thức” này sẽ khiến các chị em phụ nữ dừng lại lâu hơn rất nhiều, do cảm thấy thoải mái hơn và không bị thúc ép bởi sự đông đúc xung quanh.

Những người bán hàng tư vấn tận tình và không gian riêng biệt giúp người mua dễ dàng mở hầu bao hơn, dù có thể ban đầu họ chỉ dự định ngắm nghía qua lúc tiện đường vô siêu thị, và giá cả không rẻ hơn ở các showroom hay các cửa hàng quần áo bên ngoài chút nào.

10. Âm nhạc

st20

 

Một số siêu thị phát nhạc để khiến tâm trí bạn thư giãn và nán lại siêu thị lâu hơn. Thậm chí có những siêu thị còn bật nhạc ở tốc độ chậm hơn bình thường để khiến bạn chọn lựa chậm hơn, và kết quả là chất đầy thêm vào giỏ hàng của mình.

11. Không cửa sổ, không đồng hồ

st22

 

Không gian trong siêu thị lúc nào cũng sáng trưng, và hiếm khi bạn bắt gặp chiếc đồng hồ nào. Bạn sẽ không nhận thức được bên ngoài trời còn sáng hay đã chiều muộn, và chính xác bạn đã ở trong siêu thị bao lâu.

12. Bảng giá khiến người mua “hoang mang”

st4

 

Giá thường được niêm yết lẻ 99.000, 149.000 để tạo cảm giác rẻ hơn, đơn vị tính đôi khi là 500g chứ không phải 1kg như thông thường để “đánh lừa” người mua, hay những món đồ bán theo lố và cắt sẵn như rau củ sẽ khiến người mua “bối rối” khi so sánh giá cả bằng cách niêm yết giá với đơn vị khác nhau (túi và gram)...

13. Đồ đắt tiền hơn thường nằm phía bên phải

st21

 

Các nhà tâm lý học tiêu dùng chỉ ra rằng khách hàng thường có thói quen đi về hướng bên phải, tương tự như việc đa số chúng ta thuận tay phải vậy. 

Nhà tâm lý học tiêu dùng và cũng là giảng viên tại ĐH Daekin - Tiến sĩ Paul Harrison cho biết: “Các nghiên cứu tại Mỹ cho thấy những người mua hàng đi theo hướng ngược chiều kim đồng hồ trung bình sẽ mua nhiều hơn 2$ so với những người đi theo chiều kim đồng hồ”.

Đây có thể không phải con số lớn, nhưng nó cho thấy một xu hướng của các siêu thị - những món đồ lợi nhuận cao nhất thường được để ở phía bên phải siêu thị.

14. Dấu hiệu khuyến mãi – “chiêu trò” đầy tinh tế

st6

 

Các bảng giá khuyến mãi thường dùng màu đỏ và các món đồ khuyến mãi thường xếp thành cụm, do đó người mua thường có cảm giác các bảng giá màu đỏ và các cụm hàng lớn là đồ khuyến mãi. Trong khi đó, đôi khi đây chỉ là hình thức quảng cáo của siêu thị cho nhãn hàng nào đó.

15. Kích thích tối đa 5 giác quan

st10

 

Bước vào siêu thị, thứ đầu tiên đập vào mắt bạn là các màu sắc nổi bật. Đi thêm một đoạn, bạn sẽ ngửi thấy mùi bánh mì thơm nức và những ổ bánh mới ra lò gần đó.

Các quầy rau củ quả tươi ngon khiến bạn không kìm được mà cầm lên ngắm nghía, dù bạn vào đây chẳng phải để mua rau.

Nếu có một quầy đồ ăn thử gần đó thì tội gì không nếm để xoa dịu cảm giác thèm ăn từ lúc nãy, và biết đâu đấy, bạn sẽ mua một ít thì sao?

Đâu đó lại vang lên một bài hát đang “hot” đúng gu của bạn, thôi thì loanh quanh lát nữa nghe cho vui tai cũng được.

st11

 

Tỉnh táo, tỉnh táo và tỉnh táo! Các “chiêu trò” của siêu thị thực chất chỉ đánh vào tâm lý của người dùng, bạn hoàn toàn có thể tránh được chúng nếu tập cho mình thói quen cân nhắc trước khi đặt một món đồ nào đó vào giỏ hàng của mình.

Mình có cần chúng không? Mình có cần chúng trong một tuần tới hay không? Mình đã có thứ gì tương tự ở nhà chưa?

Hãy đặt cho mình những câu hỏi cần thiết, vì “tích tiểu thành đại”, những món đồ nhỏ nhặt trong nhiều lần mua sắm sẽ khiến bạn “thiệt hại” kha khá mà không hề hay biết!

Mai Hoa

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính