Theo Nancy Cadjan (Hoa Kỳ), người sáng lập website signbabies.com, trẻ em sẵn sàng học hát từ khi 4 tháng tuổi, nhưng phải từ 7 – 9 tháng tuổi, các bé sẽ học được ngôn ngữ ký hiệu.
Vì vậy, lý tưởng nhất để dạy bé cách giao tiếp bằng ký hiệu là khi 6 tháng tuổi.
Mỗi nền văn hóa có thể có một số cách biểu đạt ngôn ngữ ký hiệu khác nhau. Ví dụ, bố mẹ Việt có thể dạy con “ạ” và cúi thấp đầu để bầy tỏ sự cảm ơn, trong khi bố mẹ Tây dạy con đặt tay lên ngực và mỉm cười để bầy tỏ lòng biết ơn.
Dạy con 10 cách dùng ngôn ngữ ký hiệu này từ khi bé 6 tháng tuổi, bạn sẽ chứng kiến khả năng “giao tiếp” sớm bất ngờ của con mình.
1. Xong rồi!
Con rất cần biết khi nào được thay tã xong, khi nào đã ăn xong… để bắt đầu chuyển sang một hoạt động khác.
Vì vậy cha mẹ đừng quên thông báo cho bé điều này, ví dụ: “Mẹ thay tã xong rồi bé ơi!”. Cùng với đó là cách ra hiệu như bên hình: úp tay vào ngực, rồi xòe ra như cách để bé biết đã xong việc, trong tay bạn không còn cầm, nắm đồ dùng gì.
2. Thêm nhé!
Chụm 2 bàn tay lại, chạm các đầu ngón tay vào nhau 2 lần trong lúc nói “Thêm nhé”. Bé sẽ biết bé cần ăn thêm hoặc uống thêm chút sữa và sẽ tương tác tốt hơn.
3. Ngủ nào bé yêu!
Làm động tác tay che mặt, nhắm mắt… Đây là động tác hữu ích để bé biết đã đến giờ ngủ rồi. Dần dần, khi cha mẹ lặp đi lặp lại động tác này, bé sẽ học cách tương tác.
Sẽ rất tuyệt vời nếu mỗi khi buồn ngủ bé biết cách “ra hiệu” như vậy để bố mẹ đưa bé vào giường.
4. Măm măm
Khi bạn cho bé ăn, hãy dùng ký hiệu "ăn" và nói: "Măm măm nào. Con có muốn ăn không? Măm thêm chút nữa…"
Động tác này mô phỏng việc chụm tay và đưa thức ăn vào miệng.
5. Tắm
Một hoạt động mà bé yêu sẽ thực hiện hàng ngay, đó là tắm mát. Lặp lại việc xoa hay tay vào ngực, giống như khi bạn kỳ cọ, giúp bé kết nối cách ra hiệu này với giờ tắm mát.
Lặp đi lặp lại động tác và nói các từ tương ứng là cách tốt để bé vừa học được cách ra hiệu vừa chóng biết nói.
6. Đọc sách
Làm động tác đóng – mở hai bàn tay trước khi đọc sách cho bé, giống như cách mô phỏng đóng – mở cuốn sách
7. Meo meo
Hai ngón tay cái và trỏ của bàn tay chụm lại để bên mép, bạn có thể “diễn” từ “mèo” để bé học.
Hãy nhớ nhìn vào mắt bé, cười, nói to từ tương ứng để thu hút sự chú ý của bé nhé!
8. Bóng
Đây là động tác chụm các ngón tay vào nhau thành một hình cầu như đang đỡ bóng. Bạn có thể sáng tạo ra các động tác tương tự để dạy bé cách ra hiệu về những con vật, đồ chơi quen thuộc xung quanh.
Khi thấy bé đã nhớ một vài ký hiệu đầu tiên, bạn có thể từ từ thêm vào các ký hiệu khác. Chìa khóa để thành công đơn giản là: lặp đi lặp lại và kiên trì chờ đợi.
9. Chuối
Giơ ngón tay cái, bàn tay còn lại làm động tác như đang bóc chuối. Ký hiệu này sẽ phù hợp khi bé đã tự cầm, nắm được một quả chuối nhỏ và ăn nhưng chưa biết cách gọi tên thứ hoa quả này.
10. Táo
Các ký hiệu cần đơn giản, gần gũi và quan trọng nhất: thật ngộ nghĩnh. Bạn có thể đặt khớp ngón trỏ vào má, xoay xoáy, chóp chép miệng và dạy bé nói “Táo, táo…”
Duy trì các “mật mã” bằng tay cả khi bé đã biết nói
Sự thất vọng của bé tăng lên khi không thể bầy tỏ mong muốn.
Vì vậy, các nhà khoa học khẳng định dạy con sử dụng ngôn ngữ ký hiệu sẽ tận dụng khả năng tự nhiên của bé để giao tiếp sớm và giảm căng thẳng cho cả gia đình.
Dạy bé nói chuyện bằng ký hiệu cùng lúc với phát âm các từ tương ứng giúp bé phát triển khả năng ngôn ngữ, cùng lúc kích thích trí tưởng tượng của trẻ.
Ngay cả khi bé đã biết nói, việc dùng các “mật mã” này trong nội bộ gia đình cũng là một cách cực thú vị để duy trì tình cảm giữa bố mẹ và bé.
Phương PhươngBạn đang xem bài viết Học ngay 10 cách ra hiệu này để "trò chuyện" với em bé 6 tháng tuổi tại chuyên mục Dạy con của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].