Việc chăm sóc sức khoẻ cho phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh chưa thực sự được quan tâm
Chiều 16/10, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em tổ chức hội thảo "Liệu pháp nội tiết mãn kinh" nhằm hưởng ứng Ngày Mãn kinh Thế giới (18/10) và thể hiện sự quan tâm của ngành Y tế trong việc quản lý và chăm sóc sức khỏe tuổi mãn kinh.
Ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, cả nước có khoảng 13 triệu phụ nữ trong độ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh (từ 45 tuổi trở lên). Nếu tính cả phụ nữ bắt đầu suy giảm nội tiết tố (35 tuổi trở lên), cả nước có khoảng hơn 20 triệu, chiếm 1/5 dân số.
Theo ông Tuấn, vấn đề suy giảm nội tiết dẫn đến tiền mãn kinh và mãn kinh là quá trình sinh lý trong cuộc đời bất cứ người phụ nữ nào. Tuy nhiên, vẫn đề này chưa thực sự được quan tâm, từ ngành Y tế tới cá nhân mỗi người phụ nữ. Đa số phụ nữ đều "chịu đựng", cô đơn trong hành trình tiền mãn kinh, mãn kinh của mình. Điều này kéo theo nhiều hệ lụy. Bởi giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh là vấn đề sinh lý, nhưng hậu quả để lại do suy giảm nội tiết đối với nhiều người lại là vấn đề bệnh lý. Tức là khi nội tiết của buồng trứng suy giảm sẽ kéo theo những hệ lụy khác như tim mạch, hệ thống xương khớp, loãng xương...
Ông Tuấn cho biết thêm, Bộ Y tế nhận thấy việc chăm sóc sức khoẻ cho phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh là vấn đề cấp thiết trong chăm sóc sức khỏe phụ nữ, nên đang chỉnh sửa Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, trong đó, chăm sóc sức khỏe phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh được xây dựng thành một chương độc lập, đầy đủ.
Chia sẻ thêm về các vấn đề sức khỏe của phụ nữ khi giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh không được chăm sóc kịp thời, PGS.TS Lưu Thị Hồng - nguyên Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), Tổng thư ký Hội phụ sản Việt Nam thông tin: mãn kinh là tình trạng thiếu hụt estrogen, được hiểu một cách thông thường là thời điểm chấm hết giai đoạn sinh sản của phụ nữ.
Độ tuổi mãn kinh trung bình của phụ nữ Việt Nam là 48-50 tuổi. Thời gian từ lúc bắt đầu rối loạn đến khi mãn kinh khoảng 12 tháng, có thể kéo dài 4-5 năm. Ước tính 70-80% phụ nữ chịu ảnh hưởng bởi các triệu chứng mãn kinh, trong đó 20-35% trải qua các triệu chứng từ vừa đến nặng. Trung bình thời gian kéo dài triệu chứng là 7,4 năm. Tuy nhiên, có một thực tế là ngay ở các cơ sở y tế cũng ít quan tâm đến chăm sóc, tư vấn cho chị em về vấn đề tiền mãn kinh và mãn kinh.
Tuổi thọ trung bình của phụ nữ tăng gần 10 năm trong nửa thế kỉ qua. Sau mãn kinh, phụ nữ còn sống thêm 20-30 năm, tương đương một phần ba cuộc đời, nhưng phải đối mặt với suy giảm chất lượng cuộc sống với nhiều triệu chứng như bốc hỏa, mất ngủ, mệt mỏi, đau xương khớp, loãng xương, và các hậu quả lâu dài về tim mạch, suy giảm trí nhớ.
Phần lớn phụ nữ gặp các triệu chứng rối loạn mãn kinh lại lầm tưởng rằng những biểu hiện này có liên quan đến các chuyên khoa khác như thần kinh, cơ xương khớp…
Việc chưa tìm đúng chuyên khoa tư vấn, khiến phụ nữ mãn kinh chưa nhận được sự chăm sóc và điều trị tốt về bệnh lý thực sự của mình. Vì vậy, tăng cường chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh là vấn đề cấp thiết.
Những lưu ý để chị em giảm thiểu và phòng tránh những hậu quả lâu dài của mãn kinh
Theo TS.BS. Trần Thị Thu Hạnh, Phó Khoa Phụ Nội tiết, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, thực tế, rất nhiều phụ nữ mãn kinh ở Việt Nam đang chịu đựng giai đoạn này một cách âm thầm vì thiếu thông tin cơ bản về các triệu chứng rối loạn mãn kinh, gây tác động tiêu cực đến sức khỏe và chất lượng sống.
Do đó, khi nhận thấy các rối loạn mãn kinh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, phụ nữ cần chủ động tìm đến các chuyên gia y tế sản phụ khoa, chia sẻ và thảo luận về tình trạng của mình để tìm ra các giải pháp phù hợp.
Hiện nay, liệu pháp nội tiết mãn kinh là giải pháp điều trị được các hiệp hội y tế uy tín khuyến cáo ưu tiên lựa chọn. TS Hạnh cho biết việc sử dụng liệu pháp nội tiết mãn kinh đã làm giảm rõ rệt các triệu chứng tiền mãn kinh và giảm nguy cơ mắc các bệnh đặc trưng thời kỳ mãn kinh như bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm, mất ngủ, khó chịu; khô teo âm đạo, ảnh hưởng đến đời sống tình dục; giảm loãng xương và gãy xương; giảm nguy cơ bệnh lý tim mạch.
Song cũng theo TS Hạnh, liệu pháp nội tiết mãn kinh vẫn có một số tác dụng không mong muốn. Vì vậy, phụ nữ muốn dùng thuốc nội tiết tố phải được bác sĩ tư vấn, chỉ định, không tự ý dùng thuốc để tránh có tác dụng phụ, gây nguy cơ ung thư vú, đột quỵ, huyết khối...
Bên cạnh đó, các giải pháp dinh dưỡng, vận động cũng là yếu tố quan trọng để phụ nữ vượt qua giai đoạn này một cách nhẹ nhàng. TS Hạnh đưa ra những hướng dẫn để chị em chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe giai đoạn này:
- Thứ nhất, phải có cả biện pháp dự phòng từ sớm, từ xa. Nghĩa là không đợi cho đến khi bước vào tuổi mãn kinh mới tìm cách điều trị, cần có ý thức bổ sung các yếu tố cần thiết để duy trì sức khỏe, hạn chế tối đa những ảnh hưởng do suy giảm nội tiết gây ra.
- Thứ hai, chăm sóc sức khỏe tinh thần (thư giãn, học cách chia sẻ với người thân, tham gia các hoạt động văn hóa cộng đồng).
- Luyện tập thể dục thường xuyên (kết hợp chế độ ăn uống, nghỉ ngơi phù hợp).
- Dinh dưỡng hợp lý (không hút thuốc lá hay các chất kích thích, ăn chế độ giàu thực vật, chất xơ, bổ sung canxi, vitamin D để phòng loãng xương…).
- Môi trường sống thông thoáng và nhiệt độ phù hợp…
V.LinhBạn đang xem bài viết 13 triệu phụ nữ Việt đang ở độ tuổi mãn kinh và tiền mãn kinh tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].