Ung thư máu là một căn bệnh ác tính, nguy hiểm và gặp ở người lớn tuổi nhiều hơn trẻ em. Căn bệnh này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của trẻ em và cả gia đình của trẻ. Hãy theo dõi bài viết để nhận biết các dấu hiệu ung thư máu ở trẻ em nhé!
Ung thư máu ở trẻ em là gì?
Ung thư máu là một loại ung thư ảnh hưởng đến tế bào máu và tủy xương - nơi tế bào máu được sản sinh và biệt hóa thành hồng cầu, bạch cầu hoặc tiểu cầu.
Các tế bào máu tham gia vào quá trình vận chuyển oxy trong cơ thể (hồng cầu), chống lại nhiễm trùng (bạch cầu) và cầm máu (tiểu cầu). Khi bị ung thư máu, các tế bào máu không phát triển và biệt hóa như bình thường dẫn đến không thể hoạt động đúng với chức năng vốn có.
Ung thư máu làm tăng sinh các tế bào máu bất thường gây nên tình trạng bệnh lý
1 Phân loại ung thư máu
Ung thư máu được chia làm 3 loại chính đó là: bệnh bạch cầu (Leukemia), u lympho (Lymphoma), myeloma (bệnh u tủy hoặc bệnh u tân sinh tương bào). Ở trẻ em và thanh thiếu niên, bệnh bạch cầu là loại ung thư máu thường gặp nhất.
Có nhiều loại bệnh bạch cầu khác nhau, việc phân biệt được loại bệnh bạch cầu cụ thể mà trẻ mắc phải có thể giúp bác sĩ dự đoán tốt hơn tiên lượng của từng trẻ và lựa chọn phương pháp điều trị tốt nhất. Các bệnh bạch cầu được phân loại như sau:
Bệnh bạch cầu cấp tính
Hầu hết các bệnh bạch cầu ở trẻ em là cấp tính. Các bệnh bạch cầu này có thể tiến triển nhanh chóng và thường cần được điều trị ngay lập tức. Bệnh bạch cầu cấp tính gồm các loại:
- Bệnh bạch cầu cấp dòng lympho (ALL): Khoảng 3 trong số 4 bệnh nhân bệnh bạch cầu trẻ em là ALL. ALL bắt nguồn từ tế bào bạch cầu non dòng lympho.
- Bệnh bạch cầu cấp dòng tủy (AML): AML bắt nguồn từ các tế bào non dòng tủy tạo thành các tế bào bạch cầu (khác với tế bào lympho), tế bào hồng cầu hoặc tiểu cầu.
Bệnh bạch cầu mãn tính
Bệnh bạch cầu mãn tính hiếm gặp ở trẻ em. Các bệnh bạch cầu này có xu hướng phát triển chậm hơn bệnh bạch cầu cấp tính. Bệnh bạch cầu mãn tính có thể được chia thành 2 loại chính:
- Bệnh bạch cầu tủy mạn tính (CML): bệnh này hiếm gặp ở trẻ em. Phương pháp điều trị tương tự như phương pháp điều trị dành cho người lớn.
- Bệnh bạch cầu lymphocytic mãn tính (CLL): Bệnh bạch cầu này cực kỳ hiếm gặp ở trẻ em.
Bệnh bạch cầu tủy đơn nhân ở trẻ em (JMML)
Bệnh bạch cầu tủy đơn nhân ở trẻ em (JMML) thường xảy ra ở trẻ em (tuổi trung bình là 2 tuổi). Các triệu chứng có thể bao gồm da nhợt nhạt, sốt, ho, dễ bầm tím hoặc chảy máu, khó thở, phát ban và hạch bạch huyết to.
JMML bắt đầu ở các tế bào dòng tủy, nhưng thường không phát triển nhanh như AML hoặc chậm như CML.
Bệnh bạch cầu là loại ung thư phổ biến nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên
2 Dấu hiệu ung thư máu ở trẻ em
Sốt kéo dài không rõ nguyên nhân
Trẻ sốt kéo dài không rõ nguyên nhân, thường đi kèm ra mồ hôi nhiều, đặc biệt sốt xảy ra vào ban đêm là một trong các dấu hiệu đầu tiên của bệnh ung thư máu.
Sốt kéo dài không rõ nguyên nhân là dấu hiệu của ung thư máu ở trẻ
Xuất hiện các vết bầm tím trên da hoặc bị chảy máu mũi
Ung thư máu làm cho số lượng bạch cầu ác tính tăng lên nhiều lần, chèn ép tiểu cầu và hồng cầu. Số lượng tiểu cầu thấp làm tăng nguy cơ chảy máu hơn bình thường.
Nếu trên người trẻ bỗng xuất hiện các vết bầm tím không lành sau 2 tuần, vết ban đỏ không rõ nguyên nhân hay bị chảy máu mũi thường xuyên thì rất có thể đây chính là biểu hiện ung thư máu ở trẻ em.
Chảy máu mũi thường xuyên có thể là biểu hiện ung thư máu ở trẻ em
Trẻ bị thiếu máu da xanh xao
Ung thư máu khiến lượng hồng cầu suy giảm nên không thể vận chuyển đủ lượng oxy cung cấp cho cả cơ thể. Vì vậy, trẻ thường có biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, da tái nhợt xanh xao, thở dốc...
Trẻ bị ung thư máu thường thấy hoa mắt, chóng mặt do thiếu máu
Ăn không ngon
Khi mắc ung thư máu, trẻ sẽ có các biểu hiện sau:
- Chán ăn: Trẻ thường không muốn ăn hoặc ăn ít hơn bình thường.
- Sụt cân: Trọng lượng cơ thể giảm sút nhanh chóng.
- Cơ thể yếu ớt: Trẻ thường xuyên mệt mỏi, thiếu năng lượng và khó hoạt động như bình thường.
Ngoài ra, trẻ còn có thể gặp phải các triệu chứng khác như sốt cao, dễ bị bầm tím hoặc chảy máu, đau xương khớp và nhiễm trùng thường xuyên. Nếu thấy các dấu hiệu này, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay lập tức để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Ung thư máu khiến trẻ chán ăn và dễ sụt cân
Sụt cân nhanh chóng không rõ nguyên nhân
Cân nặng sụt giảm đột ngột trong khoảng thời gian ngắn mà không có nguyên nhân là một trong các dấu hiệu ung thư máu ở trẻ em. Tình trạng sụt cân đi kèm với chán ăn khiến trẻ trở nên ốm yếu và xanh xao trông thấy.
Sụt cân đột ngột là biểu hiện của bệnh ung thư máu ở trẻ
Trẻ bị khó thở
Trẻ mắc ung thư máu thường cảm thấy khó thở vì các tế bào bạch cầu phát triển mạnh, có thể tập trung ở quanh tuyến ức, gần vùng cổ và gây khó thở. Bên cạnh đó, việc hồng cầu bị suy giảm còn làm lượng oxy đi khắp cơ thể giảm sút đáng kể, điều càng làm trầm trọng hơn triệu chứng khó thở ở trẻ.
Trẻ mắc ung thư máu thường cảm thấy khó thở
Trẻ hay bị nhiễm trùng
Nhiễm trùng thường xuyên, dai dẳng là dấu hiệu chứng tỏ có điều gì đó đang ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của trẻ và là một trong các dấu hiệu của ung thư máu.
Biểu hiện của nhiễm trùng do ung thư máu là: ho, sốt, chảy nước mũi... và tình trạng này sẽ không hề thuyên giảm dù dùng thuốc kháng sinh.
Biểu hiện nhiễm trùng do ung thư máu là chảy nước mũi không giảm dù dùng thuốc
Đau bụng, chướng bụng
Các tế bào bạch cầu phát triển mạnh và tích tụ trong các cơ quan nội tạng như gan, thận, lá lách, hạch ổ bụng... làm cho trẻ bị đau bụng, chướng bụng.
Ung thư máu có thể khiến trẻ đau bụng, trướng bụng
Hạch bạch huyết sưng to
Hạch bạch huyết là những cấu trúc nhỏ, tròn, hình hạt đậu, có vai trò quan trọng trong việc chống lại nhiễm trùng của cơ thể. Khi trẻ bị ung thư máu, tế bào bệnh bạch cầu có thể tích tụ trong các hạch bạch huyết ở vùng cổ, nách, bẹn và khiến chúng trở nên sưng to và cứng.
Các tế bào bạch cầu tích tụ trong hạch bạch huyết và khiến chúng sưng to
Đổ mồ hôi đêm
Thông thường, khi mắc ung thư máu, trẻ sẽ có dấu hiệu đổ mồ hôi nhiều và đặc biệt xảy ra đột ngột vào ban đêm, làm ướt quần áo, giường chiếu và có thể gây rối loạn giấc ngủ. Trẻ còn đổ mồ hôi nặng hơn trong lúc bị sốt.
Trẻ mắc ung thư máu thường bị đổ mồ hôi nhiều, đặc biệt là vào ban đêm
Đau nhức xương khớp
Ung thư máu là tình trạng tạo máu bất thường ở tủy xương. Tủy xương chứa các tế bào máu chưa trưởng thành tích tụ quá mức sẽ chèn ép, tác động lên các mô xương khiến cho trẻ cảm thấy đau nhức xương khớp.
Trẻ có triệu chứng đau nhức xương khớp khi bị ung thư máu
3 Khi nào cần gặp bác sĩ?
Dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Dưới đây là một số dấu hiệu tiềm ẩn ung thư máu:
- Hạch bạch huyết sưng to.
- Tình trạng chảy máu hoặc bầm tím bất thường.
- Các dấu hiệu nhiễm trùng.
- Gan hay lách sưng to.
- Các yếu tố nguy cơ như tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư.
Khi có các dấu hiệu trên, thì trẻ cần phải được thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt để chẩn đoán và điều trị kịp thời, hiệu quả.
Cần cho trẻ thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt khi có dấu hiệu bệnh
Chẩn đoán
Trước hết, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán ung thư máu dựa trên bệnh sử và quá trình khám thực thể. Nếu bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân có thể mắc bệnh bạch cầu, mẫu máu và tủy xương sẽ cần được kiểm tra để chắc chắn bằng một số xét nghiệm như:
- Xét nghiệm máu.
- Chọc hút, sinh thiết tủy xương
- Sinh thiết hạch bạch huyết.
Ngoài ra, các xét nghiệm miễn dịch, sinh học phân tử chuyên sâu hay hình ảnh học cũng giúp ích cho việc chẩn đoán.
Một số xét nghiệm có thể được tiến hành để chẩn đoán xác định bệnh ung thư máu
Bệnh viện uy tín
Ung thư máu là một bệnh lý nguy hiểm, vì vậy, khi có dấu hiệu bệnh, bạn cần thăm khám sớm nhất ở các cơ sở y tế để chẩn đoán bệnh và tìm phương pháp điều trị thích hợp. Dưới đây là một số bệnh viện ở khu vực TP HCM và Hà Nội bạn có thể tham khảo:
- TP.HCM: Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, Bệnh viện Nhân Dân 115...
- Hà Nội: Bệnh viện K Hà Nội, Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội, Bệnh viện Huyết học Truyền máu TW...
4 Khả năng điều trị ung thư máu ở trẻ
Hiệu quả điều trị ung thư máu ở trẻ khác nhau tùy theo từng thể bệnh, nhóm nguy cơ. Nếu bệnh được phát hiện sớm và được can thiệp điều trị đúng đắn kịp thời, thì khả năng nâng cao tuổi thọ ở trẻ là rất cao.
Trong những năm qua, hiệu quả điều trị ung thư máu ở trẻ em đang ngày một nâng cao. Hiện nay, các phương pháp điều trị bao gồm: truyền thuốc diệt tế bào ác tính (hóa trị) có thể kết hợp xạ trị, ghép tế bào gốc, điều trị nhắm đích.
Hiệu quả điều trị ung thư máu ở trẻ khác nhau tùy theo từng thể bệnh, nhóm nguy cơ
Xem thêm:
- Ung thư máu nên ăn gì và kiêng ăn gì? Chế độ dinh dưỡng cho người ung thư máu
- Ung thư máu có di truyền không? 6 dấu hiệu và yếu tố nguy cơ
- 8 triệu chứng bệnh bạch cầu giúp bạn kịp thời phát hiện ra bệnh
Hy vọng những thông tin hữu ích trên đã giúp bạn nhận biết sớm được các dấu hiệu ung thư máu ở trẻ em. Hãy chia sẻ để mọi người cùng biết đến nhé!
Bạn đang xem bài viết 11 dấu hiệu ung thư máu ở trẻ em giúp nhận biết bệnh tại chuyên mục Khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].