Trở thành người tử tế không khó như bạn nghĩ. Dưới đây là những điều bạn có thể làm để thể hiện lòng trắc ẩn, sự đồng cảm và lòng tốt với mọi người qua những tương tác hàng ngày.
1. Làm việc tử tế
Làm người tử tế tức là làm việc tử tế. Mỗi hành động tử tế sẽ kích hoạt giải phóng oxytocin và endorphin và có thể thúc đẩy việc tạo ra các kết nối thần kinh mới.
Tử tế là một thói quen tự củng cố. Chúng ta thích cảm giác dễ chịu khi làm việc tử tế, vì vậy một hành động tử tế có thể dễ dàng dẫn đến những hành động tử tế khác.
2. Tránh chỉ trích quá nhiều
Thật khó để trở thành một người tử tế khi bạn có nhiều suy nghĩ tiêu cực. Nếu bạn thấy mình đang chỉ trích ai đó, hãy cố gắng suy nghĩ những chuyện tích cực hơn.
Ví dụ, nếu một đồng nghiệp mắc lỗi, đừng vội chỉ trích công việc của họ. Bạn có thể xem sai lầm của họ là một cơ hội để bạn giúp đỡ họ, thay vì khó chịu vì họ không hoàn hảo.
3. Hãy trung thực
Hãy sống đúng với bản thân và giá trị của bạn. Bạn có thể vừa thể hiện sự tử tế và vừa trung thực.
Tử tế không có nghĩa là bạn không bao giờ nói "không" với mọi người hoặc làm những điều mà bạn không muốn làm.
Việc đặt ra ranh giới rõ ràng tức là bạn đang chăm sóc sức khỏe tinh thần và cảm xúc của mình.
Bạn có thể đối xử tử tế với người khác một cách tự nhiên hơn khi bạn cảm thấy an toàn và được tôn trọng.
4. Đối xử tốt với chính mình
Cách chúng ta đối xử với bản thân đóng một vai trò quan trọng trong cách chúng ta đối xử với người khác.
Làm sao bạn có thể đối xử tử tế với người khác nếu không đối xử tử tế với chính mình?
Hãy chú ý cách bạn tự nói với bản thân và phản ứng khi có chuyện xảy ra. Đừng đổ lỗi hay trừng phạt bản thân.
Bằng cách rèn luyện tính kiên nhẫn và đối xử tốt với bản thân, bạn sẽ dễ dàng đối xử tốt hơn với người khác.
5. Tư duy cởi mở
Cuộc sống luôn đầy biến động. Khi chúng ta đối mặt với những ý tưởng, tình huống hay con người xa lạ, không quen thuộc, chúng ta có thể nảy sinh những cảm xúc tiêu cực và khó cư xử tử tế hơn.
Tư duy cởi mở là phẩm chất cần thiết để học hỏi và tiếp thu thông tin mà không phán xét. Hãy giữ một tư duy cởi mở để có thể tiếp thu những điều mới và vẫn có thể bình tĩnh, thư giãn.
6. Luôn lịch sự
Lịch sự chỉ là một khía cạnh của sống tử tế, nhưng nó là một cách quan trọng để thiết lập tương tác xã hội tích cực. Hãy nhớ rằng hành vi của người khác không cần thiết khiến bạn hạ thấp bản thân.
Nếu người khác cư xử thô lỗ, việc đáp lại một cách lịch sự có thể làm chuyển hướng tình hình.
Trong những cuộc trò chuyện thường ngày, những từ ngữ đơn giản như "làm ơn" và "cảm ơn" có thể giúp ích rất nhiều trong việc thể hiện sự trân trọng của bạn với người khác.
7. Luôn giúp đỡ mọi người
Hãy cố gắng giúp đỡ mọi người một chút qua những tương tác hàng ngày.
Từ mỉm cười với người khác khi ở cửa hàng tạp hóa đến giúp đồng nghiệp làm dự án, đó sẽ là cách tuyệt vời để bạn thực hành sống tử tế mỗi ngày.
8. Tập tha thứ
Bỏ qua những thù ghét và tha thứ cho người khác có thể giúp bạn tiến về phía trước với một thái độ tích cực hơn. Bạn sẽ dễ dàng đối xử tử tế với mọi người hơn khi không có sự thù ghét.
Tha thứ cho bản thân cũng rất quan trọng, hãy bỏ qua những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ, đừng để chúng ngăn bạn trau dồi một tư duy tích cực.
9. Tập biết ơn
Hãy dành vài phút mỗi ngày để suy nghĩ về điều gì đó mà bạn biết ơn. Bạn có thể viết lại những điều đó vào nhật ký.
Nghiên cứu cho thấy lòng biết ơn có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm giảm căng thẳng và tăng cường hạnh phúc.
Tập trung vào những suy nghĩ tích cực có thể giúp bạn phát triển một thái độ tích cực hơn và dễ dàng đối phó với những phức tạp và khó khăn hàng ngày trong cuộc sống.
10. Tôn trọng người khác
Đồng cảm và tôn trọng cũng là những yếu tố quan trọng của sự tử tế. Hãy cố gắng nhìn nhận mọi việc từ góc nhìn của người khác và suy nghĩ xem bạn có thể làm gì để tôn trọng nhu cầu của họ.
Ngay cả khi bạn không đồng ý với những gì người khác đang làm, hãy cố gắng đối xử tử tế và tôn trọng với họ.
Bạn cũng cần tôn trọng thời gian của người khác. Ví dụ nếu có hẹn với bạn bè, hãy cố gắng đến đúng giờ, chú tâm vào cuộc trò chuyện, tránh xem điện thoại quá nhiều và tích cực lắng nghe.
(Theo Verywellmind)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết Sống tử tế sẽ gặp được nhiều người tử tế: 10 cách đơn giản để trở thành người tử tế hơn tại chuyên mục Quà tặng Cuộc sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].