Báo Điện tử Gia đình Mới

10 biểu hiện hậu COVID-19 ở trẻ em các bố mẹ không thể bỏ qua

Các phụ huynh có con nhỏ mắc COVID-19 đang rất quan tâm tới vấn đề hậu COVID-19 ở trẻ. Vậy hậu COVID-19 thực chất là gì? Các biểu hiện nào của trẻ sau khi mắc COVID-19 bố mẹ cần lưu ý?

Về vấn đề này, BS. Đào Trường Giang - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã có những thông tin cụ thể để các phụ huynh hiểu thêm về hậu COVID-19 ở trẻ nhỏ như: tình trạng hậu COVID-19 là gì? Biểu hiện ở trẻ em ra sao? Cách phòng tránh thế nào? Khi nào cần đi khám?

Tình trạng hậu COVID-19 là gì?

Bác sĩ Giang cho biết, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì hậu COVID-19 là tình trạng bao gồm một loạt các triệu chứng (cả về thể chất và tinh thần) xảy ra trong hoặc sau khi nhiễm COVID-19 (thường trong vòng 3 tháng), tồn tại kéo dài ít nhất 2 tháng và không giải thích được bằng các chẩn đoán thay thế.

Hậu COVID-19 có thể xảy ra ở những trẻ nào?

Hậu COVID-19 có thể xảy ra ở bất kỳ trẻ nào, kể cả những trẻ trước đó mắc COVID-19 mà không có triệu chứng.

Các triệu chứng của tình trạng hậu COVID-19 có bắt đầu biểu hiện ra ngay từ ngày đầu tiên khi bắt đầu mắc COVID-19 rồi tồn tại kéo dài hoặc ở xuất hiện giai đoạn sau này.

  10 biểu hiện rõ rệt của hậu COVID-19 ở trẻ em các bố mẹ nên lưu ý.

10 biểu hiện rõ rệt của hậu COVID-19 ở trẻ em các bố mẹ nên lưu ý.

Các biểu hiện của hậu COVID-19 ở trẻ em

Các bố mẹ lưu ý tình trạng hậu COVID-19 ở trẻ em có thể gồm các vấn đề sau:

- Vấn đề về hô hấp: COVID-19 thường ảnh hưởng đến phổi nhất, nên các triệu chứng hô hấp kéo dài khá phổ biến, bao gồm: Ho, đau ngực, khó thở. Các triệu chứng này có thể kéo dài 3 tháng hoặc lâu hơn.

- Vấn đề về tim mạch: Các triệu chứng của viêm cơ tim có thể xảy ra, bao gồm: Đau ngực, khó thở, nhịp tim không đều và mệt mỏi.

- Các vấn đề về thần kinh: Giai đoạn COVID-19 cấp tính có thể gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Trong một số trường hợp hiếm có thể dẫn đến đột quỵ hoặc viêm não. Trẻ em đã từng bị COVID-19 có thể có những thay đổi nhỏ về chú ý, ngôn ngữ, vận động và tâm trạng.

- Mệt mỏi về tinh thần: Đãng trí hơn, giảm khả năng chú ý, học tập khó khăn hơn, đọc chậm hơn, đọc ngắt quãng, đọc lặp lại nhiều lần, khả năng viết chậm hơn… có thể xảy ra. Nếu trẻ căng thẳng, ngủ không đủ giấc có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng này.

- Mệt mỏi về thể chất: Trẻ có thể dễ mệt mỏi hơn và sức chịu đựng khi hoạt động kém hơn, ngay cả khi không có các tổn thương về tim mạch hoặc hô hấp do virus gây ra.

- Đau đầu: Đau đầu là một triệu chứng phổ biến trong và sau khi mắc COVID-19. Ngủ đủ giấc, uống nhiều nước, ăn uống lành mạnh và hạn chế căng thẳng có thể giúp trẻ giảm bớt.

- Sức khỏe thâm thần và hành vi: COVID-19 có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của trẻ. Đặc biệt, đối với trẻ đang mắc các rối loạn, bệnh tâm thần/hành vi, việc phải nhập viện, cách ly, nghỉ học… có thể làm cho các triệu chứng trầm trọng hơn.

- Mùi và vị: Khoảng 1/4 trẻ em từ 10-9 tuổi bị thay đổi mùi, vị giác khiến ảnh hưởng đến thói quen ăn uống và đặc biệt khiến trẻ có thể không nhận ra một số mùi nguy hiểm (khói, khét khi cháy, chập điện...)

- Hội chứng viêm đa hệ cơ quan ở trẻ em (MIS-C): Đây là một biến chứng hiếm gặp nhưng rất nặng, có nguy cơ dẫn đến tử vong, thường xảy ra từ 2 đến 6 tuần sau khi mắc COVID-19. Nhiều cơ quan trong cơ thể bao gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt, các cơ quan tiêu hóa... có thể bị tổn thương.

- Các triệu chứng của bệnh đái tháo đường: Đi tiểu thường xuyên, trẻ hay khát nước, nhanh đói, giảm cân, mệt mỏi, buồn nôn, nôn, đã được báo cáo ở một số trẻ em mắc COVID-19.

Hậu COVID-19 kéo dài bao lâu?

Rất khó để dự đoán tình trạng hậu COVID-19 sẽ kéo dài bao lâu. Những dữ liệu hiện tại chưa có đầy đủ để đánh giá nên phải theo dõi thêm.

Khi nào cần cho trẻ đi khám?

Tùy từng trẻ mà thời điểm khám sẽ khác nhau. Tuy nhiên, bác sĩ Giang cho hay, theo WHO, thời gian theo dõi trước khi chẩn đoán mắc tình trạng hậu COVID-19 thường là 3 tháng sau khi trẻ mắc các triệu chứng đầu tiên.

Với những trẻ có bệnh lý nền, khi mắc COVID-19 có mức độ từ trung bình trở lên thì có thể đi khám sớm hơn. Những trẻ này đi khám hậu COVID-19 giúp phát hiện sớm các triệu chứng và điều trị hiệu quả.

Bác sĩ Giang cũng cho biết, tình trạng hậu COVID-19 vẫn còn là vấn đề mới và cần nghiên cứu thêm. Hiện nay đang có nhiều thông tin về vấn đề này. Phụ huynh cần chắt lọc thông tin để không bị quá lo lắng hay chủ quan. Đặc biệt, để biết con có gặp tình trạng hậu COVID-19 không, các phụ huynh nên theo sát sức khỏe của trẻ để nhận biết chính xác nhất các triệu chứng.

V.Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO