10% nam giới vô sinh do teo tinh hoàn sau quai bị
26 tuổi, Phạm Minh H. (Bắc Ninh) vẫn chưa có con dù 2 năm qua hai vợ chồng không dùng bất cứ biện pháp tránh thai nào. Nhận thấy sự bất thường, vợ chồng H. đi khám.
Kết quả cho thấy, người vợ vẫn bình thường còn bác sĩ chẩn đoán H. bị teo tinh hoàn, thể tích tinh hoàn hiện tại chỉ còn 4ml, tương đương với tinh hoàn của một cậu bé trai 2 tuổi. “Em mắc quai bị từ nhỏ, nhưng ngày ấy không ai nghĩ sẽ bị vô sinh do bệnh này”, H. chia sẻ.
Cùng cảnh ngộ, sau lần quai bị cách đây 2 tháng, Trần Hoàng N. (30 tuổi, Nghệ An) tìm đến bệnh viện thăm khám do nhận thấy phần dưới bất thường, nhẽo và nhỏ đi. Quả nhiên, khi đến Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội, bác sĩ chẩn đoán thể tích tinh hoàn của N. chỉ còn 14 ml. Điều đó đồng nghĩa với việc, H. sẽ khó khăn hơn trong việc có con, hoặc gần như không thể có con bằng phương pháp tự nhiên.
Bác sĩ Nguyễn Bá Hưng - Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội cho biết, dù không phải tất cả những trường hợp mắc bệnh quai bị đều bị biến chứng viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn nhưng tại các cơ sở điều trị hiếm muộn cũng gặp khá nhiều trường hợp bị teo 1 hoặc cả 2 bên tinh hoàn dẫn đến vô sinh do căn bệnh trên.
Nguy cơ teo tinh hoàn có thể diễn ra từ 2-6 tháng sau khi mắc bệnh nhưng cũng có thể lâu hơn. Do đó, sau khi mắc bệnh này khoảng 2 tháng, nam giới nên đi khám nếu thấy bất thường.
Để phòng biến chứng sưng viêm tinh hoàn do mắc quai bị, các bác sĩ khuyến cáo cần dùng thuốc theo đơn kê, nghỉ ngơi tuyệt đối 100%, mặc quần lót nâng đỡ tinh hoàn, nằm nghỉ ngơi, hạn chế đi lại và tuyệt đối không vận động mạnh... để tinh hoàn không bị tác động thêm. Với người lớn chưa từng mắc quai bị, chưa tiêm phòng cũng nên tiêm vắc xin để phòng bệnh.
Lọc tinh trùng cất giữ “tìm con”
Theo bác sĩ Nguyễn Bá Hưng, bình thường thể tích tinh hoàn phải 25 ml, ít nhất 20 ml mới sinh được tinh trùng. Do đó, các bệnh nhân bị viêm teo tinh hoàn có thể bị hiếm muộn vô sinh.
Khi khám, nếu bệnh nhân còn tinh trùng, bác sĩ khuyên lấy tinh trùng trữ lạnh để sau này làm hỗ trợ sinh sản. Nếu bệnh nhân không có tinh trùng, sẽ áp dụng kỹ thuật lấy tinh trùng từ mào tinh, bảo quản lạnh. Khi cặp vợ chồng mong muốn sinh con, tinh trùng trữ lạnh sẽ được rã đông, thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.
"Hiện nay, các bác sĩ ở đây đã ứng dụng kỹ thuật TESE - phẫu thuật vi phẫu tìm tinh trùng diện rộng cho một số trường hợp vô tinh vì 2 tinh hoàn teo do biến chứng quai bị. Với những nam giới bị teo cả 2 bên tình hoàn, bác sĩ sẽ phải phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn tìm cấu trúc sinh tinh để tìm tinh trùng. Những trường hợp như thế này chỉ cần tìm được 1-2 "tinh binh" đã là quý lắm rồi. Đã có những cặp vợ chồng hiếm muộn được điều trị thành công, có thai đôi và sinh con khoẻ mạnh nhờ phương pháp này”, bác sĩ Hưng cho biết.
Tại Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội, nhiều trường hợp nam giới đã và chưa kết hôn sau khi phát hiện có trục trặc về sinh sản có nguy cơ hiếm muộn đã lấy tinh trùng gửi trữ lạnh. Tinh trùng có thể trữ lâu dài, không ảnh hưởng đến chất lượng. Chi phí khoảng 3-4 triệu đồng/năm/trường hợp.
H.NBạn đang xem bài viết 1/10 đàn ông bị vô sinh chỉ vì biến chứng quai bị, có thể trữ lạnh tinh trùng để sinh con tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].