Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần vừa qua (từ ngày 13/5 đến 19/5), trên địa bàn thành phố đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc viêm não Nhật Bản trong năm 2019.
Bệnh nhi 4 tuổi nhập Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng sốt cao, li bì, co giật… Hiện sức khoẻ đã tiến triển khả quan.
BSCKII Nguyễn Thị Hồng Lạc - Phó giám đốc, kiêm Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp cho biết, bệnh viêm não Nhật Bản lưu hành tản phát theo mùa, thường từ tháng 4 đến tháng 10 (mùa mưa ở miền Bắc) đỉnh cao của bệnh thường là tháng 6, tháng 7.
Bệnh viêm não Nhật Bản do virus gây ra nên các triệu chứng khởi điểm ban đầu của bệnh rất đa dạng, thường giống với bệnh do virus đơn thuần.
Đây là nguyên nhân làm cho bệnh dễ bị nhầm lẫn với các bệnh do virus khác. Đặc biệt, ở giai đoạn khởi phát, những triệu chứng có thể chỉ là sốt, viêm long đường hô hấp.
Giai đoạn khởi phát thường kéo dài trong vòng từ 1 đến 3 ngày. Lúc đầu là sốt kèm theo ớn lạnh, sau sốt cao tăng dần, không đáp ứng với thuốc hạ sốt và đến giai đoạn toàn phát bệnh nhi có các triệu chứng về thần kinh như lơ mơ, ngủ gà, cứng gáy, đau đầu, buồn nôn, kích thích vật vã, có thể đi vào hôn mê, co giật…
Cũng có những trường hợp bệnh diễn biến rất nhanh. Đặc biệt với những trường hợp bệnh tối cấp thì chỉ vài tiếng sau khi có nhiễm bệnh, bệnh nhân có thể đi vào ngừng thở, hôn mê, thậm chí tử vong.
Bệnh viêm não Nhật Bản nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ để lại nhiều di chứng cho người bệnh.
Với trường hợp di chứng nhẹ, trẻ có thể bị hạn chế về mặt vận động, trí tuệ phát triển chậm với các biểu hiện như trẻ nói khó, nói ngọng, đi lại khó, bị liệt nhẹ tay chân.
Có những trường hợp di chứng nặng bệnh nhân có thể co quắp chân tay không thể vận động, trẻ bị bại não, trẻ sống cuộc sống thực vật sau khi bị viêm não Nhật Bản, gây ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng cuộc sống của trẻ, trở thành gánh nặng vật chất, tinh thần cho gia đình và xã hội.
So với năm 2018, năm nay Hà Nội ghi nhận ca bệnh viêm não Nhật Bản sớm hơn (ca bệnh đầu tiên trong năm 2018 được ghi nhận vào giữa tháng 6). Sở Y tế Hà Nội cho biết, thông thường từ tháng 5 đến tháng 8 hằng năm là giai đoạn cao điểm của bệnh viêm não Nhật Bản.
Trước diễn biến trên, Sở Y tế Hà Nội kêu gọi người dân chủ động đưa trẻ đi tiêm vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản. Đồng thời, chú ý các biện pháp phòng bệnh như: vệ sinh môi trường sạch sẽ nơi ở và quanh nơi ở để muỗi truyền bệnh không có nơi trú đậu; khi ngủ cần buông màn; không cho trẻ chơi gần chuồng gia súc, đặc biệt lúc chập tối đề phòng muỗi đốt…
Ngoài viêm não Nhật Bản, trong tuần qua, Hà Nội cũng ghi nhận thêm 81 trường hợp mắc sởi, 19 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 14 trường hợp mắc tay chân miệng, 3 trường hợp mắc ho gà.
Linh NhiBạn đang xem bài viết Hà Nội: Xuất hiện trường hợp đầu tiên mắc viêm não Nhật Bản trong năm 2019 tại chuyên mục Y tế 24h của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].